Cách làm thuốc trừ sâu sinh học đơn giản tại nhà
Thuốc trừ sâu sinh học được sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như: tỏi, ớt, gừng, sả… Chúng rất an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường, có khả năng ức chế xua đuổi và tiêu diệt sâu bệnh với năng suất cao mà không gây nhờn thuốc mà vẫn duy trì được năng suất và chất lượng nông sản.
Những điều cần biết về thuốc trừ sâu sinh học
- Thuốc trừ sâu sinh học là gì?
- Cách loại thuốc trừ sâu sinh học
- Ưu điểm của thuốc trừ sâu hữu cơ
- Nhược điểm của thuốc trừ sâu hữu cơ
- Cách làm thuốc trừ sâu sinh học
- Cách sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
- Cách nhận biết các loại cây cỏ có khả năng diệt côn trùng
- Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
Thuốc trừ sâu sinh học là gì?
Thuốc trừ sâu sinh học còn được gọi với tên khác là thuốc trừ sâu hữu cơ là loại thuốc trừ sâu sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để diệt trừ sâu hại rất thân thiện với môi trường.
Điển hình là vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, virus), các chất trong cây cỏ (chất độc hoặc dầu thực vật), các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là kháng sinh),… để diệt trừ sâu bệnh.
Cách loại thuốc trừ sâu sinh học
Có thể tự chế thuốc trừ sâu sinh học hoặc mua sẵn trên thị trường, được chia thành hai nhóm chính là thuốc trừ sâu thảo mộc và thuốc trừ sâu vi sinh.
- Thuốc trừ sâu thảo mộc: Đây là loại thuốc trừ sâu sử dụng các chất độc chiết xuất từ cây cỏ hoặc dầu thực vật để diệt trừ sâu hại.
- Thuốc trừ sâu vi sinh: Có thành phần hoạt tính gồm các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, tảo hoặc động vật nguyên sinh.
Một trong số các loại thuốc trừ sâu vi sinh phổ biến nhất hiện nay là được chiết xuất từ chủng khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Bt có thể tạo ra protein không có lợi cho côn trùng để bảo vệ các thực vật, đặc biệt là khoai tây, bắp cải.
Đa số loại thuốc trừ sâu vi sinh khác hoạt động bằng cách cạnh tranh quyết liệt với các sinh vật gây hại.
Ưu điểm của thuốc trừ sâu hữu cơ
An toàn với sức khỏe con người và môi trường
Khác với thuốc trừ sâu hóa học, thuốc trừ sâu sinh học được đánh giá là ít độc với con người cũng như môi trường. Do đó, dần dần được chú ý sử dụng nhiều hơn trong những năm gần đây.
Các chế phẩm vi sinh vật, dầu thực vật dùng để trừ sâu gần như không gây hại tới người và các sinh vật có ích (ví dụ như các loài thiên địch) do đó có thể bảo vệ được sự cân bằng sinh học trong tự nhiên, hạn chế tình trạng bùng phát sâu hại.
Đặc biệt, thuốc sinh học ít để lại dư lượng độc trên nông sản, thời gian cách ly ngắn, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Quy trình sản xuất thuốc trừ sâu sinh học đơn giản, đều từ các nguyên liệu có sẵn
Các nguyên liệu điều chế thuốc trừ sâu sinh học có thể tìm thấy dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khá đơn giản, không mất nhiều chi phí.
Nhược điểm của thuốc trừ sâu hữu cơ
Thuốc trừ sâu sinh học thường tạo ra hiệu quả tương đối chậm và điều kiện bảo quản khắt khe hơn so với thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, trước những lợi ích thiết thực, chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận các nhược điểm này.
Cách làm thuốc trừ sâu sinh học
Hiện nay có nhiều cách pha chế thuốc trừ sâu sinh học, có thể kể đến phương pháp tận dụng các loại cây cỏ có độc tố đối với sâu hại, hay phổ biến nhất như sử dụng vỏ trứng, thuốc lào…
Những nguyên liệu có thể sản xuất thuốc trừ sâu sinh học.
Việc sử dụng các loại cây cỏ có chứa chất độc có công dụng rất tốt trong việc bảo vệ cây trồng mà không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, không gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt có thể tự chế lấy để sử dụng.
Trong các loại rau củ quả như tỏi, gừng, giềng, ớt… có chứa các loại axit có tác động đến các bộ phận như da, mắt của các loài sâu bọ hại cây trồng và tiêu diệt chúng.
Trong rễ của cây thuốc lá hay trong lá và thân của cây xoan, cây thuốc lá hoặc lá của cây cà chua có chất Alkaloids; trong hạt của quả na hay hạt củ đậu… có chứa độc tố đối với sâu bệnh hại. Sử dụng thuốc lào hoặc thuốc lá cũng có tác dụng diệt trừ sâu hại.
Bạn có thể tự làm thuốc trừ sâu sinh học một số loại đơn giản như sau
- Ngâm rượu, cồn: Thu hái rau, cây cỏ có chứa độc tố như tỏi, ớt, gừng, cà chua… Rửa sạch, cắt chỉ hoặc thái nhỏ thành lát, ngâm cồn hoặc rượu xô, chậu… Thời gian ngâm tuỳ từng loại, thường từ 3 – 7 ngày để có đủ lượng độc tố cần thiết. Ngâm xong lọc chắt lấy nước trong rồi pha thêm nước phun lên cây.
- Đun sôi: Cũng các nguyên liệu trên rửa sạch, thái nhỏ, đun sôi 1 – 2 tiếng, xong gạn lấy nước để nguội, pha thêm nước lã để phun.
- Ép (chiết xuất): Các nguyên liệu trên ngâm vào nước chừng 15 phút rồi xay hoặc giã lấy nước đem phun.
Tự chế thuốc trừ sâu sinh học dùng cho quy mô gia đình
- Từ tỏi: Bóc sạch vỏ 2-3 củ tỏi, giã nhuyễn, pha với 2 cốc nước, ngâm 24 tiếng, rồi lọc lấy nước cốt, pha thêm 4 lít nước, cho vào bình tưới đem phun lên cây bị bệnh. Lưu ý phun khi trời mát và đều hai mặt lá cả trên, dưới, thân và gốc cây.
- Từ ớt: Giã nhuyễn hoặc nghiền nát 10 quả ớt chỉ thiên cay, thêm xíu nước vào ngâm qua đêm, tới sáng hôm sau lọc lấy nước cốt, pha thêm 1 lít nước, cho vào bình tưới phun lên cây bị bệnh. Lưu ý phun khi trời mát và đều hai mặt lá cả trên, dưới, thân và gốc cây.
- Từ lá cà chua: Nghiền nát khoảng vài chục lá cà chua, rồi ngâm với khoảng 2 cốc nước qua đêm, gạn lấy nước trong hòa thêm 2 cốc nước, sau đó cho vào bình tưới phun lên cây bị bệnh. Lưu ý phun khi trời mát và đều hai mặt lá cả trên, dưới, thân và gốc cây.
- Từ hỗn hợp tỏi, ớt, gừng và giềng: Chuẩn bị nguyên liệu vừa đủ, rửa sạch, nghiền nát tất cả rồi đem ngâm cồn hoặc rượu trong khoảng 15 ngày để các chất cay, nóng hòa quện với nhau, gạn lấy nước trong rồi pha thêm nước lã để phun lên cây trồng. Đây là loại hỗn hợp bao gồm chất cay, nóng của tỏi, ớt, gừng, giềng, rượu… nên khi phun khiến sâu co mình lại và chết rất nhanh, có thể tiêu diệt tới 85 – 90% sâu hại. Thời gian bảo quản khá lâu lên tới 4 – 5 tháng.
- Từ thuốc lào: Hoặc có thể dùng thuốc lá thay thế, lấy một gói thuốc lào hoặc một bao thuốc lá mang ngâm trong nước ấm 1 đêm, sáng hôm sau lọc lấy nước và rồi pha thêm một thìa cà phê nước rửa bát.
Hoà dung dịch trên với 4 – 8 lít nước cho vào bình tưới phun lên cây bị bệnh. Lưu ý phun khi trời mát và đều hai mặt lá cả trên, dưới, thân và gốc cây.
Cách sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
Dựa vào đối tượng sâu hại và các loại cây trồng mà sử dụng nồng độ đặc hay loãng khác nhau. Khi pha chế các loại thuốc từ cây cỏ có thể bổ sung thêm ít nước rửa bát, xà phòng… hoặc dầu khoáng mục đích giúp tăng độ bám dính của thuốc.
Những loại thuốc chế biến từ cây cỏ rất thích hợp để tiêu diệt những loại sâu hại rau nhằm tạo ra các sản phẩm rau, quả an toàn.
Cách nhận biết các loại cây cỏ có khả năng diệt côn trùng
- Dựa vào nhựa, chất dịch tiết ra từ: Những cây có mùi nhựa nồng, khiến da người bị dị ứng mẩn ngứa hoặc nóng thì dịch của cây đó có chứa độc tố (như hạt của đậu, cây thuốc lá…).
- Dựa vào mùi: Những cây có chứa chất độc đều có mùi hắc, nồng, cay… khó ngửi (như lá và vỏ của cây xoan, lá cây thuốc lào, thuốc lá, cây cà độc dược…).
Theo dõi các loại động vật nhỏ sống xung quanh cây như kiến, nhện…: Nếu không thấy động vật nhỏ sống quanh cây và dùng cây làm thức ăn thì có khả năng cây đó có chứa chất độc và có thể dùng làm thuốc trừ sâu (riêng cây thuốc lào, thuốc lá vẫn có rệp và sâu xanh gây hại).
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
Để đạt hiệu quả diệt trừ sâu bệnh tốt nhất, khi dùng thuốc trừ sâu sinh học, bạn cần chú ý đến một số điều sau đây:
- Sử dụng vừa phải, đúng thời điểm, không lạm dụng: Chỉ nên dùng đến thuốc trừ sâu hữu cơ khi mức sâu ở mật độ làm sụt giảm năng suất cây trồng, chứ không phải cứ có sâu là phun thuốc hoặc sâu gây hại xong mới phun.
- Thời điểm phun thuốc tốt nhất là khi sâu còn non vì khi đó khả năng kháng thuốc của sâu rất kém.
- Không nên pha lộn thuốc sâu trừ sâu sinh học với các thành phần khác để tránh làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Nên phun thuốc vào thời điểm trời râm mát, tạnh ráo.
- Sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ như quần áo dài, khẩu trang, gang tay khi phun thuốc.