Cách phân biệt bệnh bạch hầu và viêm họng
ThS.BS Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết rằng, điều kiện khí hậu ít tác động đến bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc vi khuẩn bạch hầu ở cả nam và nữ là như nhau. Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu nhi, đặc biệt là trẻ từ 1-7 tuổi. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh.
Đối với bạch hầu, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò then chốt đối với hiệu quả điều trị. Khó khăn ở chỗ những dấu hiệu cảnh báo ban đầu của bệnh bạch hầu lại khá tương đồng với một số bệnh thường gặp như cảm, cúm và đặc biệt là viêm họng hạt, viêm amidan. Tuy nhiên, theo ThS.BS Trần Duy Hưng, nếu để ý kỹ, chúng ta vẫn có thể nhận ra một vài triệu chứng đặc trưng của căn bệnh truyền nhiễm này: “Điểm khác biệt của bạch hầu so với viêm họng hạt hay viêm amidan là nó gây ra tình trạng nhiễm độc, nên có những tập triệu chứng riêng”.
Bệnh nhân bạch hầu sẽ có giả mạc ở vùng hầu họng màu xám, rất dai, rất khó bóc tách ra khỏi niêm mạc.
Cụ thể, tình trạng nhiễm độc do bạch hầu gây ra sẽ khiến da xanh tái, người mệt mỏi. Nếu bệnh nhân là trẻ em sẽ có hiện tượng biếng ăn, quấy khóc, li bì. Đáng chú ý, bệnh nhân bạch hầu sẽ có giả mạc ở vùng hầu họng màu xám, rất dai, rất khó bóc tách ra khỏi niêm mạc và nếu cố tình bóc tách có thể gây chảy máu.
Ngược lại, người mắc viêm họng hạt, viêm amidan dù cũng có giả mạc nhưng rất dễ lấy ra. Đây là những triệu chứng điển hình nhất, để phân biệt bạch hầu và các bệnh thường gặp khác.
Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cũng có hiện tượng sốt nhưng lại ít khi sốt cao; người bệnh có tiếng ho ông ổng, kèm theo các vấn đề về hô hấp khác như khó thở, khàn tiếng.
“Khi có những triệu chứng kể trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, từ đó có điều kiện chữa trị khi bệnh vừa mới ở giai đoạn đầu, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm” – Chuyên gia nhiễm khuẩn tổng hợp khuyến cáo.
- Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh bạch hầu
- Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?
- Tại sao chúng ta không thể ghép não?