Cách sơ cứu người bị ngạt khói khỏi đám cháy và những lưu ý cần nhớ
Ngoài nguy cơ bỏng, chấn thương do hỏa hoạn thì nguy cơ ngạt khói đám cháy là rất cao. Thời gian gần đây liên tiếp các vụ cháy chung cư xảy ra đòi hỏi người dân cần trang bị các kĩ năng sơ cứu khi hỏa hoạn đúng cách.
Hướng dẫn sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy
Theo Healthline, một trong những nguyên nhân gây tử vong liên quan tới hỏa hoạn là do hít phải khói độc có hại gây viêm phổi, sưng đường hô hấp và ngăn chặn oxy dẫn tới suy hô hấp.
Với người đang ở trong đám cháy thì nguyên tắc sống còn khi xảy ra hỏa hoạn chính là phải tìm đường thoát thân đồng thời bịt mũi và miệng bằng các miếng khăn/vải dày được thấm nước để hạn chế tối đa việc hít phải khói từ đám cháy trong một thời gian ngắn để thoát khỏi đám cháy.
Để sơ cứu người bị ngạt do khói hỏa hoạn bạn cần lưu ý các thông tin sau:
1. Triệu chứng ngạt khói
Hít khói đám cháy có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng với các mức độ nghiêm trọng khác nhau:
- Ho:
- Các màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều chất ngầy hơn do khói là một chất kích thích
- Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt cơ trong đường thở dẫn tới phản xạ ho
- Các chất nhầy có thể có màu trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào lượng hạt bị đốt cháy trong khí quản hoặc phổi là bao nhiêu.
- Hụt hơi
- Tổn thương đường hô hấp làm giảm lượng oxy cung cấp cho máu
- Hít phải khói đám cháy có thể cản trở khả năng vận chuyển oxy của máu
- Thở nhanh, thở gấp cũng có thể là kết quả của cơ thể khi nỗ lực bù đắp phần khí bị thiếu gây tổn thương cho cơ thể.
Ho và thở hụt hơi là dấu hiệu phổ biến thường gặp khi bị ngạt khói. (Ảnh: Internet).
- Đau đầu
- Việc tiếp xúc với carbon monoxide (CO2) - hợp chất sinh ra trong mọi vụ cháy có thể gây ra đau đầu
- Bên cạnh đau đầu thì ngộ độc khi CO2 còn khiến nạn nhân bị buồn nôn và nôn mửa.
- Khàn tiếng
- Hóa chất sinh ra từ vụ cháy như amoniac, sulfur dioxite, carbon monoxide có thể làm hỏng đường hô hấp, gây sưng, xẹp đường thở dẫn tới tổn thương cả dây thanh âm và kết quả là khàn tiếng và co thắt đường hô hấp trên
- Các chất nhầy tích tụ ở đường hô hấp trên cũng có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn tới khàn tiếng và thở khò khè.
- Vấn đề về da
- Da có thể trở nên nhợt nhạt và xanh xao hơn do thiếu oxy hoặc chuyển sang màu đỏ tái do ngộ độ khí carbon monoxide
- Da bị bỏng theo các mức đô nặng nhẹ khác nhau phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và ở trong đám cháy.
- Tổn thương mắt
- Khói từ đám cháy có thể gây kích ứng mắt hoặc đỏ mắt
- Trong trường hợp nặng hơn giác mạc có thể bị bỏng.
- Giảm tỉnh táo, lú lẫn, ngất xỉu
Điều này xảy ra do nồng độ oxy trong máu thấp và ngạt chất hóa học sinh ra từ đám cháy ảnh hưởng tới hệ thần kinh, ngoài ra co giật và hôn mê cũng có thể xảy ra sau khi hít phải khói do đám cháy.
Muội than thoát ra trong các đám cháy khi hít phải sẽ xuất hiện trong mũi và cổ họng. (Ảnh: Internet).
- Muội than trong mũi hoặc cổ họng
Muội than thoát ra trong các đám cháy khi hít phải sẽ xuất hiện trong mũi và cổ họng, nếu nhạy cảm bạn có thể thấy lỗ mũi và đường mũi bị sưng.
- Đau ngực
- Đau ngực xảy ra do kích thích đường hô hấp do khói đám cháy
- Đau tức ngực có thể là kết quả do lượng oxy cung cấp cho tim thấp
- Ho quá mức khi hít phải khói cũng có thể gây ra đau ngực.
2. Sơ cứu người bị ngạt khói
CẢNH BÁO: Bất kỳ ai bị ngạt khói đều cần được sơ cứu ngay lập tức và liên hệ với bệnh viện để được hỗ trợ y tế khẩn cấp, đặc biệt trong trường hợp người bị ngạt khói có các dấu hiệu:
- Bất tỉnh
- Chóng mặt, lú lẫn
- Có đau ngực hoặc tức ngực
- Nghẹt thở, ho dữ dội hoặc thở khò khè, khó thở, thở ngắn không đều
- Có muội than và khói quanh mũi, miệng
- Bị bỏng trong miệng, họng và mũi
- Đường hô hấp bị sưng
- Nước bọt màu đen hoặc xám
- Buồn nôn và nôn
- Khàn tiếng
- Tầm nhìn mờ hoặc song thị (tầm nhìn đôi)
- Tê và ngứa ran tứ chi.
Sơ cứu cho nạn nhân bị ngạt khói bằng CPR. (Ảnh: Internet).
Dưới đây là những điều bạn cần làm để sơ cứu người bị ngạt khói:
- 1. Di chuyển người đến nơi an toàn, có không khí thoáng và trong lành xa đám cháy. Sau đó đặt nạn nhân nằm nghiêng thay vì nằm ngừa đề phòng trường hợp nạn nhân nôn mửa hoặc ho ọc đờm dễ bị nghẹn nếu nằm ngửa.
- 2. Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch còn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo sau đó gọi điện thoại nhờ giúp đỡ và tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân bắt đầu tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ. Có thể sử dụng khăn sạch hay miếng gạc lót miệng bệnh nhân khi hô hấp nhân tạo.
Theo Cục cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thì thao tác hô hấp nhân tạo nên thực hiện như sau:
Cách 1: Hô hấp nhân tạo miệng - miệng
Người cứu quỳ ngang đầu nạn nhân hoặc đứng nếu nạn nhân nằm trên giường, để nạn nhân nằm ngửa. Lấy hết các dị vật đường thở ra khỏi miệng, kể cả răng giả đã bị gãy.
Một tay người cứu đặt trên trán nạn nhân, đẩy trán ra phía sau, tay kia nâng cằm lên cao sao cho đầu ngửa, cổ ưỡn ra tối đa hoặc người cứu dùng một tay đỡ dưới gáy nạn nhân, tay kia đặt lên trán và đẩy mạnh xuống dưới. Trong khi hô hấp, đầu nạn nhân luôn giữ ở tư thế này.
Người cứu dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu rồi áp miệng mình vào miệng nạn nhân sao cho thật kín ( nếu nạn nhân là trẻ bé thì áp miệng của người cứu lên cả miệng và mũi của trẻ), thổi nhanh mạnh trong vòng 1-2 giây cho đến khi thấy ngực phồng lên.
Lặp lại động tác với tần suất 10 ÷ 12 lần/phút với người lớn; 20 lần/phút với trẻ em (1 ÷ 8 tuổi); thổi nhanh và nhẹ hơn với tần suất 30 lần/phút với trẻ bé và sơ sinh cho đến khi nạn nhân tự thở đươc;
Khi nạn nhân tự thở được thì đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức.
Lưu ý: Khi thổi, nếu ngực nạn nhân không căng lên có thể bị nghẽn đường hô hấp, hay kiểm tra: Đầu ngửa hết chưa; có áp sát vào môi nạn nhân chưa; đã bịt kín mũi nạn nhân chưa; lưỡi của nạn nhân có bị tụt vào trong không,...
Cách 2: Nhân tạo miệng - mũi
Trường hợp không mở được miệng của nạn nhân ra hoặc miệng nạn nhân có thương tích nặng, không thể áp kín miệng với nhau được hoặc trường hợp ngạt nước thì phải áp dụng hô hấp kiểu miệng - mũi.
Lúc này cần để nạn nhân nằm ngửa. Một tay người cứu giữ đầu nạn nhân ngửa hẳn ra phía sau, tay kia đỡ dưới cằm đẩy lên để cho nạn nhân ngậm kín môi vào (để phòng máu vào phổi).
Người cứu hít sâu rồi ngậm môi kín quanh mũi nạn nhân, thổi mạnh từ từ cho đến khi ngực nạn nhân phồng lên. Thổi liên tục như vậy 4 lần.
Sau đó bỏ miệng ra khỏi mũi nạn nhân, kiểm tra xem nạn nhân đã tự thở hay chưa. Nếu nạn nhân chưa tự thở được thì kiểm tra lại tư thế và tiếp tục thổi với tần suất 10 ÷ 12 lần/phút với người lớn; 20 lần/phút với trẻ em (1÷ 8 tuổi); thổi nhanh và nhẹ hơn với tần suất 30 lần/phút với trẻ bé và sơ sinh.
Khi nạn nhân tự thở được thì đặt nạn nhân ở tư thế hồi sức.
Lưu ý, trong trường hợp nạn nhân bị ngạt khói vừa ngừng thở và mạch cũng ngừng đập thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo đồng thời thực hiện ép tim ngoài lồng ngực.
Thao tác thực hiện ép tim ngoài lồng ngực như sau:
+ Đặt nạn nhân nằm ngửa trên sàn phẳng cứng, quỳ cạnh ngang ngực nạn nhân. Xác định vị trí ép tim: Tìm mỏm xương ức (nơi các xương sườn gặp nhau), đặt hai ngón tay vào mỏm xương ức, sau đó đặt tay sát ngay trên hai ngón tay định vị
+ Hai bàn tay của người cứu chồng lên nhau và đan xen các ngón với nhau; duỗi thẳng cẳng tay, giữ cứng khuỷu tay và hai vai cân bằng giữa hai tay
+ Dùng sức nặng toàn thân ấn thẳng góc xuống xương ức, đảm bảo cho xương ức lún sâu về phía xương sống khoang 4 - 5 cm, liên tục và nhịp nhàng với nhịp độ 80 - 100 lần/phút (vừa ấn vừa hô đếm để canh đều thời gian)
+ Nếu nạn nhân là trẻ em, người cứu dùng một gốc lòng bàn tay để ép tim, ấn lún sâu khoảng 2,5 - 3,7 cm, liên tục và nhịp nhàng với tần số 100 lần/phút
+ Nếu nạn nhân là trẻ sơ sinh, người cứu đặt hai ngón tay trên xương ức, dưới đường thẳng giữa hai núm vú hoặc vòng hai tay quanh ngực nạn nhân với hai ngón tay cái đặt nằm cạnh nhau trên xương ức và dưới đường thẳng giữa hai núm vú, ấn lún sâu khoảng 1,5 - 2,5 cm, liên tục và nhịp nhàng với nhịp độ 100 - 120 lần/phút.
Nếu nạn nhân tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì vẫn tiếp tục cấp cứu theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hay y tế đến.
3. Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra ngay lập tức ngay cả khi không có triệu chứng bởi tổn thương nghiêm trong do hít phải khí từ khói trong đám cháy có thể không phát triển trong nhiều giờ nhưng lại có thể tệ đi nhanh chóng.
Tại bệnh viện bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nguồn khói được hít vào là do đâu, thời gian phơi nhiễm và lượng khói tiếp xúc cùng một số xét nghiệm khác như chụp X-quang kiểm tra tổn thương và nhiễm trùng phổi; xét nghiệm máu kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu cũng như thành phần hóa học có sự thay đổi nồng độ oxy như thế nào; nội soi phế quản kiểm tra tổn thương đường thở;...
4. Theo dõi tại bệnh viện tùy từng trường hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ngạt khói tại bệnh viện có thể bao gồm thở oxy, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng, thuốc điều trị ngộ độ khói chứa hóa chất,...
Khi được ra viện, người bị ngạt khói đám cháy cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời nghỉ ngơi nhiều; ngủ ở tư thế nghiêng hoặc kê đầu lên gối để thở dễ hơn; tránh hút thuốc lá và hút thuốc thụ động; tránh những tác nhân có thể tăng kích ứng phổi chẳng hạn như không khí quá lạnh, nóng, ẩm hoặc khô và đừng quên thực hiện các bài tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục.
Tránh những tác nhân có thể tăng kích ứng phổi chẳng hạn như không khí quá lạnh, nóng, ẩm hoặc khô. (Ảnh: Internet).
3. Hít phải khói đám cháy bao lâu thì hồi phục?
Quá trình phục hồi sau khi hít phải khói ở mỗi người sẽ khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thể trạng của nạn nhân trước khi hít phải khói do hỏa hoạn. Phổi của bạn sẽ cần thời gian để có thể hồi phục hoàn toàn.
Điều này có nghĩa là bạn có thể cảm thấy khó thở và mệt mỏi trong một thời gian sau khi ra viện. Thậm chí có người gặp phải biến chứng sẹo gây khó thở suốt đời hoặc khàn giọng…
4. Cách phòng ngừa hít phải khói độc trong hỏa hoạn
Nếu đám cháy xảy ra, để hạn chế lượng khói hít vào cơ thể thấp nhất bạn cần:
- Cố gắng bình tĩnh, liên hệ với lực lượng chữa cháy 114 càng nhanh càng tốt
- Nhanh chóng di chuyển tới ban công hoặc sân thượng để tìm kiếm sự giúp đỡ, đừng quên phán đoán nguồn cháy để di chuyển hợp lý
- Khuỵu tay và gối xuống sát đất để hạn chế hít phải khói do khói nhẹ hơn thường bay lên trên
- Lấy mảnh vải, quần áo nhúng đẫm nước và bịt mũi - miệng lại để ngăn chặn hít khói và khí độc sinh ra từ đám cháy
- Nếu bị kẹt trong phòng, cần lấy các vật dụng như khăn vải ướt để có thể bịt các lỗ hở ngăn cho khói và khí độc tràn vào.
Ngoài nguy cơ bị ngạt khói thì trong hỏa hoạn nạn nhân còn có thể bị bỏng dẫn tới các tổn thương nghiêm trọng. Nếu quần áo của bạn bị bắt lửa, hãy lăn người dưới đất cho tới khi lửa trên quần áo được dập tắt.
Trên đây là những thông tin sơ cứu người bị ngạt khói đám cháy, người thực hiện sơ cứu cần bình tĩnh và liên hệ với cơ ở y tế gần nhất để cứu hộ kịp thời cho nạn nhân.
- Bí kíp phòng chống nhiễm khói độc khi chung cư bị cháy
- Kỹ năng tránh ngộ độc khí trong đám cháy
- Cách sơ cứu kịp thời khi bị ngạt khí