Cái nhìn khác về Judas
Kinh Phúc âm bị thất lạc từ lâu, vốn hé lộ một hình ảnh tích cực hơn về Judas - kẻ phản Chúa, vừa được giới khảo cổ học công nhận là tài liệu thật.
Kinh Phúc âm về Judas là một đoạn tài liệu được viết bằng ngôn ngữ Coptin (Ai Cập cổ), mô tả Judas với cái nhìn thiện cảm hơn là một kẻ phản đồ trong Kinh thánh. Ở phiên bản này, Judas đã giao nộp chúa Jesus cho giới chức nhưng theo chính yêu cầu của chúa, nhằm giải thoát linh hồn khỏi thể xác. Trong phiên bản Kinh thánh được chấp nhận rộng rãi lâu nay, Judas bị cáo buộc đã phản chúa Jesus để đổi lấy 30 đồng bạc.
Nụ hôn của Judas theo tưởng tượng của họa sĩ - (Ảnh: Shutterstock)
Theo cuộc điều tra vào năm 2006 do kênh National Geographic thực hiện, chuyên gia Joseph Barabe của Tổ chức McCrone tại Illinois (Mỹ) và một nhóm nhà nghiên cứu đã phân tích nét mực trong bản kinh rách tơi tả về Judas, để xác định xem đây là tài liệu giả mạo hay thật. Một số hóa chất trong mực khiến các chuyên gia nghi ngờ về tính chân thực của nó, cho đến khi Barabe và đồng sự phát hiện tại Viện Bảo tàng Lourve (Pháp) cũng nghiên cứu những tài liệu Ai Cập từ thế kỷ thứ 3, cùng thời với Kinh Phúc âm Judas.
Bản kinh từ thế kỷ thứ 3 đã mô tả một Judas hoàn toàn khác - (Ảnh: Joseph Barabe)
Nhờ kinh nghiệm dồi dào thông qua nhiều năm nghiên cứu tài liệu và tác phẩm nghệ thuật cổ, chuyên gia Barabe và đồng sự có thể phân biệt giữa nguyên tác với giả mạo, nhờ phân tích hỗn hợp hóa chất trong mực. Vào năm 2009, ông Barabe đã giúp phanh phui một tài liệu gọi là “Archaic Mark”, vốn được tuyên bố là một bản thảo vào thế kỷ 14, thật ra chỉ là đồ giả mạo thời hiện đại. Với danh tiếng trong ngành tạm gọi là điều tra hiện trường (CSI) về tài liệu cổ, Barabe đã được kênh National Geographic mời hợp tác nhằm xác định tính chân thực của bản kinh về Judas, được phát hiện vào thập niên 1970. Ông đã mời nhiều nhà khoa học với đủ chuyên ngành khác nhau, và họ cùng nỗ lực nghiên cứu tài liệu trên bằng nhiều phương pháp, từ phân tích qua kính hiển vi đến quang phổ học.
Đầu tiên, cả nhóm đều không tìm ra chút manh mối nào từ Kinh Phúc âm Judas. Tài liệu này được viết bằng 2 loại mực, đen và nâu, trộn lẫn vào nhau. Màu đen được xác định là một loại mực mà người Ai Cập cổ thường dùng trong thời kỳ trước thế kỷ thứ 3. Tuy nhiên, điểm bí ẩn ở đây là mực nâu, chứa nhiều sắt nhưng lại thiếu lưu huỳnh, vốn thường được phát hiện trong dạng mực in này, và các chuyên gia đối mặt với câu hỏi khó nuốt là làm sao giải thích được sự khác biệt trên. Cuối cùng, Barabe chuyển sang nghiên cứu sách với hy vọng tìm ra những nghiên cứu khác về các loại mực thời Ai Cập cổ. May mắn là họ đã tìm thấy giấy hôn thú và tài liệu đất đai thời đó trong Viện Bảo tàng Louvre (Pháp), vốn mang những nét tương đồng. Từ đó, các chuyên gia mạnh dạn khẳng định rằng Kinh Phúc âm Judas là đồ thật 100%, và có niên đại từ năm 280.
Chuyên gia Barabe đã trình bày toàn bộ công trình nghiên cứu về tài liệu này trước hội nghị thường niên của Tổ chức Hóa học Mỹ tại New Orleans vừa qua. Sau khi hoàn tất, Kinh Phúc âm Judas đã được hoàn trả cho Viện Bảo tàng Coptic tại Cairo (Ai Cập).