Căn bệnh nguy hiểm khiến bạn có thể phải cắt chân

Bác sĩ Lê Thanh Phong, khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết các nghiên cứu cho thấy có từ 2-5% người bị suy tĩnh mạch chi dưới có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu. Ở nhóm người bệnh này, điều trị suy giãn tĩnh mạch theo cách thông thường sẽ không bao giờ khỏi.

Bệnh biểu hiện bằng tình trạng đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm các cảm giác khó chịu khác như mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút, tăng lên khi đi đứng và giảm khi nằm kê chân cao, kèm theo đó là tình trạng phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc loét ở cổ chân.

Đặc biệt, nếu gặp biến chứng nặng, bệnh nhân có thể bị hoại tử phải cắt chân, thậm chí dẫn đến thuyên tắc phổi, gây tử vong.


Chân của bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch trước và sau khi can thiệp đặt stent. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng cách phẫu thuật. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Ngày nay, sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Sau phẫu thuật vài giờ, người bệnh có thể đi lại và xuất viện trong ngày.

Giữa năm 2015, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM lần đầu tiên đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu qua can thiệp nội mạch. Qua một vết đâm kim vào tĩnh mạch đùi, phần tĩnh mạch bị chèn ép sẽ được nong ra và sau đó được đặt stent vào lòng mạch. Khi dòng máu về tim không còn bị cản trở, các hậu quả do sự chèn ép gây ra sẽ không xuất hiện hoặc cải thiện đáng kể khi đã xảy ra.

Khoảng 20 người bệnh đã điều trị theo phương pháp này kể từ khi được Bộ Y tế cho phép. Kết quả theo dõi đến nay cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể và ổn định.

Việc áp dụng thành công phương pháp nong và đặt stent điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, mở ra một hướng mới cho việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên…

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất