Càn Long sau khi qua đời: Xương cốt ngâm nước bẩn 30 ngày, sọ bị đập nát, vì sao?
Vì sao một vị hoàng đế quyền lực như Càn Long lại chịu cảnh 'thảm khốc' như vậy sau khi qua đời?
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Đây cũng được coi là một trong những triều đại thịnh vượng bậc nhất của Trung Quốc với thời gian tồn tại 276 năm. Tại vị cai trị đất nước gồm 12 vị hoàng đế, trong đó Càn Long là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Thanh.
Ông là vị hoàng đế có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cả thời gian tại vị và nắm quyền của ông kéo dài 63 năm và cũng là thời kỳ cực thịnh của nhà Thanh. Càn Long là một vị hoàng đế quyền lực nhưng 200 năm sau khi ông qua đời, lăng mộ của ông bị đào lên khiến mọi người đều bất ngờ, vì sao?
Lăng mộ của hoàng đế Càn Long
Sau khi Càn Long qua đời, ông được an táng tại Thanh Đông lăng. Đây là khu quần thể thượng uyển hoàng gia có phong thủy tuyệt vời được xây dựng vào năm 1661 (năm Thuận Trị thứ 18) đến năm 1908 (năm Quang Tự thứ 34). Để hoàn thành được quần thể lăng mộ này đã phải mất tổng cộng 247 năm để xây dựng.
Trong lăng mai táng 5 vị hoàng đế và 15 vị hoàng hậu, 136 vị phi tần, 3 vị A Ca và 2 vị công chúa. Như chúng ta đã biết, những người trong xã hội cổ đại, đặc biệt là trong tầng lớp hoàng tộc, quý tộc rất coi trọng đến việc hậu táng. Sau khi họ chết đi thì thường được chôn cùng với nhiều trang sức, châu báu. Năm 1912, triều đại nhà Thanh đã sụp đổ, những tên trộm mộ đã chuẩn bị tấn công Thanh Đông lăng.
Tôn Điện Anh được coi là một kẻ trộm mộ công khai khét tiếng.
Mùa xuân năm 1928, Tôn Điện Anh – một lãnh chúa quân phiệt thời Trung Hoa Dân Quốc được lệnh đến miền đông Hà Bắc để trấn áp bọn cướp. Trên đường đi ngang qua khu Thanh Đông lăng, nhìn thấy được lăng mộ nguy nga lộng lẫy, vì thế đã có ý đồ lấy báu vật ở đây.
Lăng mộ của hoàng đế Càn Long đã trải qua điều gì?
Mùa hè năm 1928, Tôn Điện Anh lấy danh nghĩa diễn tập quân sự đưa người trông coi lăng mộ. Sau đó, ông ta thực hiện cướp Định Đông lăng của Từ Hi Thái Hậu ở trong quần thể lăng mộ này. Tất cả những vàng bạc, châu báu trong lăng của Từ Hi Thái hậu khiến cho Tôn Điện Anh rất kinh ngạc bởi số lượng khổng lồ.
Sau khi đột nhập Định Đông lăng, Tôn Điện Anh đã đến Thanh Dụ lăng, chính là lăng mộ của Càn Long, cách đó không xa.
Lăng mộ của Càn Long có nhiều báu vật hơn lăng của Từ Hi Thái hậu rất nhiều, châu báu quý giá nhiều không đếm xuể.
Khi còn sống, Càn Long rất thích thích thư họa. Vì thế khi qua đời, vị hoàng đế này cũng được chôn theo rất nhiều những thư pháp quý giá. Thế nhưng đối với Tôn Điện Anh mà nói, những thứ này đều là giấy lộn không có giá trị tiền bạc. Rất nhiều thư pháp quý thậm chí còn bị thẳng tay xé toạc vứt đi.
Bên trong Thanh Dụ lăng.
Không chỉ vậy, hài cốt của hoàng đế Càn Long cùng với 5 vị hoàng hậu và quý phi khác của ông cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
Những tên trộm mộ điên cuồng này đã ném hài cốt của Càn Long và 5 vị hoàng hậu với quý phi vứt trên đất và bị ném lẫn lộn vào nhau. Hộp sọ của Càn Long bị đập vỡ, tồi tệ hơn là còn bị ngâm trong nước bẩn của cung điện dưới lòng đất và phải mất hơn một tháng mới có thể tìm thấy hài cốt của ông.
Sau khi Thanh Đông lăng bị khai quật và đánh cắp, những lão thần trung thành với người dân yêu mến triều Thanh đã rất bất bình. Đặc biệt là hoàng đế Phổ Nghi, mặc dù ông đã thoái vị nhưng vẫn là người có sức ảnh hưởng nhất trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông đã cùng với nhiều hậu duệ của Ái Tân Giác La dùng mọi cách để đòi công bằng cho lăng mộ của nhà Thanh đã bị tàn phá.
Tuy nhiên, Tôn Điện Anh lại là kẻ giang hồ lão luyện. Sau khi trộm lăng Thanh Đông, ông ta đã tặng đi gần hết những bảo vật quý giá nhất. Cụ thể, Tôn Điện Anh đã tặng viên Dạ Minh Châu cho vợ thứ hai của Tưởng Giới Thạch là Tống Mỹ Linh. Cửu Long bảo kiếm của Càn Long, Tôn Điện Anh nhờ Đới Lạp tặng cho Tưởng Giới Thạch. Ngay cả chuỗi hạt trên cổ Càn Long cũng tặng cho Đới Lạp.
Mặc dù Phổ Nghi cùng với hậu duệ nhà Thanh đã đưa Tôn Điện Anh ra tòa nhưng cũng không gây ảnh hướng lớn gì đến ông ta. Nhưng cuối cùng, sau hơn 20 năm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Tôn Điện Anh đã bị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bắt sống vào năm 1947.