Cần phân biệt rõ giữa cúm thường và cúm H5N1
Một số trường hợp khi có biểu hiện của cúm ngại đến các cơ sở y tế để kiểm tra, hoặc tự ý mua "lậu" thuốc Tamiflu uống để phòng bệnh. Điều này đã gây lãng phí không cần thiết khi người bệnh chỉ mắc loại cúm thông thường và còn tạo nguy cơ kháng thuốc sau này.
Các nhà chuyên môn khuyến cao người dân cần hiểu biết đầy đủ về tình trạng bệnh lý khi bị mắc cúm thông thường hoặc cúm A (H5N1), vừa tránh gây lãng phí (vì thuốc Tamiflu khá đắt) lại có thể nâng cao hiệu quả điều trị nếu bệnh nhân bị nhiễm H5N1 sớm tìm tới các cơ sở y tế. Ngoài ra, Bộ y tế đã có thông báo, trong trường hợp bệnh nhân bị mắc cúm A (H5N1) hoặc nằm trong vùng dịch sẽ được phát thuốc Tamiflu miễn phí để điều trị nên việc người dân sớm đến cơ sở y tế để kiểm tra sẽ có nhiều cái lợi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục phó Cục y tế dự phòng - Bộ Y Tế: Khi bị cúm thông thường, người bệnh sẽ sốt cao dần lên 38 độ C, kèm theo các triệu chứng ho, đau họng, có chảy nước mũi, ngoài ra không có bất cứ biểu hiện gì khác. Còn khi bị mắc cúm A (H5N1), người bệnh sẽ sốt đột ngột trên 38 độ C, ho khan (ít có đờm rãi), khó thở. Bệnh nhân khi mắc cúm A (H5N1) có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở nhanh, dần dần bị suy hô hấp rồi suy đa phủ tạng dẫn tới tử vong.
Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo người dân khi có biểu hiện mắc cúm A (H5N1) cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra. Tại đây bệnh nhân sẽ được chụp X quang phổi hàng ngày từ 1-2 lần để theo dõi những diễn biến tổn thương của phổi. Nếu phát hiện phổi tổn thương không điển hình, kèm theo dấu hiệu bạch cầu hạ (sau khi xét nghiệm máu) thì bệnh nhân sẽ được cách ly ngay để điều trị.
Theo các chuyên gia trong ngành y tế, việc phát hiện sớm bệnh rất quan trọng vì thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng hiệu quả trong 48 giờ đầu sau khi bệnh nhân bị mắc cúm A (H5N1). Ngoài ra, theo phác đồ điều trị mới được Bộ Y Tế điều chỉnh, bệnh nhân càng được phát hiện bệnh sớm bao nhiêu thì hiệu quả điều trị càng cao bấy nhiêu.