Cần Thơ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp tại Cần Thơ", ngày 8/2, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo đề ra các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị Cần Thơ trong tương lai.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cần gắn công tác quan trắc môi trường với các trọng tâm, trọng điểm phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhiệm vụ cụ thể là cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường của từng khu vực trọng điểm đã được quan trắc để phục vụ các yêu cầu trước mắt của các cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường phục vụ việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia.
Công tác quy hoạch chung phát triển toàn diện đô thị tầm nhìn đến năm 2030 trở về sau (như trong nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp đô thị và các khu dân cư, cụm dân cư, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, đê bao vượt lũ...) phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu.
Trước mắt, các dự án quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, xã hội phải được tiếp tục đánh giá tác động môi trường trên cơ sở phân tích, dự báo chịu ảnh hưởng cụ thể của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Thành phố Cần Thơ cần tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề… đầu tư, ứng dụng các biện pháp, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Thành phố chú trọng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, tác động của nó đến kinh tế, xã hội và môi trường.
Hiện tại, cần giúp người dân ổn định cuộc sống trong mùa lũ; sớm hoàn thành các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho người nghèo, vùng bị sạt lở; xây dựng và nhân rộng mô hình “sống chung với lũ” với các mô hình nuôi cá, tôm, trồng màu mùa lũ; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực quan trắc môi trường, tích cực đề phòng giảm nhẹ thiên tai.
Theo nghiên cứu và dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2100, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm môi trường tự nhiên, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi lớn, trong đó có thành phố Cần Thơ.
Nếu không chủ động ứng phó, địa phương này sẽ bị nước biển dâng cao gây ngập trên 1 mét, dẫn đến mất nhiều đất nông nghiệp. Lưu lượng nước sông Mekong giảm từ 2% - 24% trong mùa khô, tăng từ 7% - 15% vào mùa lũ, đồng thời hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, nước lũ sẽ cao hơn, thời gian ngập lũ sẽ kéo dài hơn.
Việc tiêu thoát nước mùa mưa lũ cũng khó khăn. Suy giảm tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nghề cá, giao thông, cấp nước sinh hoạt, sức khỏe người dân. Các mô hình nuôi thủy sản có nguy cơ bị phá sản. Năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ giảm sút.
Đời sống của hàng triệu cư dân sẽ bị xáo trộn vì biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng vì nước lụt tại Cần Thơ, từ năm 1996 đến nay đã làm 123 người chết, 365.000 căn nhà, 1.597 trường học, 7.000km đường, 104.000ha lúa bị ngập, thiệt hại không nhỏ.