Cánh bướm truyền cảm hứng vật liệu điện tử
Eijiro Miyako và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến Nhật Bản cho biết cánh của loài bướm Morpho đã truyền cảm hứng cho họ tạo ra một loại hợp chất sinh học nano (nanobiocomposite) có thể dùng trong sản xuất các thiết bị điện tử.
Cánh bướm Morpho có những đặc tính tự nhiên có khả năng tái tạo nhân tạo vượt trội so với những công nghệ hiện tại. Chúng nhẹ, mỏng, mềm dẻo, có thể hấp thụ năng lượng mặt trời, không thấm nước và có khả năng tự làm sạch. Vật liệu mới cũng có thể tạo ra cảm biến ánh sáng có độ nhạy cao và pin có độ bền.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp cánh bướm Morpho với các ống trụ nano carbon nhỏ xíu (CNTs) để tạo ra vật liệu sinh học nano hoàn toàn mới với các đặc tính điện, nhiệt, cơ khí và quang học độc đáo. Mạng lưới các ống nano carbon đã phát triển thành hình tổ ong trên cánh bướm Morpho. Khi kích hoạt bằng tia laser, vật liệu mới được tạo ra và nóng lên nhanh hơn so với các thành phần gốc của nó. Điều này thể hiện tính dẫn điện cao và khả năng sao chép ADN trên bề mặt mà không hấp thụ của vật liệu.
Trang UPI dẫn lời nhóm nghiên cứu: "Nghiên cứu này của chúng tôi nhấn mạnh tiến trình quan trọng đã được thực hiện để tạo ra vật liệu sinh học nano thông minh dùng cho nhiều ứng dụng khác nhau như chẩn đoán kỹ thuật số, thiết bị điện tử mềm có thể mặc/đeo được, cảm biến ảnh và các tế bào quang điện”.