Cảnh tàu hỏa chạy giữa biển ở châu Âu
Hàng ngày, hơn 100 chuyến tàu hỏa chạy trên tuyến đường sắt Hindenburg, một công trình vĩ đại giữa biển của người Đức.
- Đường hầm xuyên biển đầu tiên nối liền Á-Âu
- Trung Quốc vận hành đường sắt cao tốc dài nhất thế giới
Chùm ảnh về tuyến đường sắt xuyên biển
Tuyến đường sắt Hindenburg nối liền đảo Sylt với Schleswig-Holstein, bang xa nhất về phía bắc của Đức.
Trước khi tuyến đường sắt ra đời, việc di chuyển từ đất liền tới đảo Sylt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết trên biển. Sóng càng dữ, việc di chuyển càng khó khăn.
Hồi ấy hành khách mất tối thiểu 6 giờ để di chuyển từ đất liền tới đảo Sylt bằng tàu biển.
Vào mùa đông, băng trên Biển Wadden cản trở tàu và thuyền, khiến rất ít du khách có thể tới đảo Sylt.
Do khu nghỉ dưỡng Westerland trên bờ biển của đảo Sylt ngày càng trở nên nổi tiếng, vào đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, giới cầm quyền Đức lên kế hoạch làm đường ray tới đảo.
Ban đầu họ muốn làm tuyến đường sắt từ thành phố Hoyerschleuse tới đảo, nhưng sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Đức buộc phải nhường Hoyerschleuse cho Đan Mạch.
Do biên giới thay đổi, tuyến đường sắt trên bản vẽ tách thành hai phần - gồm một phần trên lãnh thổ Đức, còn phần kia thuộc Đan Mạch. Vì thế các kiến trúc sư, kỹ sư phải sửa bản thiết kế để tuyến đường nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Đức.
Quá trình làm đường sắt trên biển bắt đầu từ năm 1923. Trong 4 năm sau đó, công nhân và các phương tiện cơ giới đã đưa hơn 3 triệu m3 cát và đất sét, 120 tấn đá từ đất liền ra biển để tạo nên đập. Chiều dài của đập là 11km.
Chính phủ Đức gọi tuyến đường theo tên của Tổng thống Đức hồi đó, ông Paul von Hindenburg. Ông chủ trì lễ khánh thành đường ray vào ngày 1/6/1927.
Trong 45 năm đầu tiên từ khi bắt đầu hoạt động, đập Hindenburg chỉ có một làn đường ray. Vào năm 1972, người ta mở rộng nó và đặt đường ray thứ hai. Ngày nay, hơn 100 chuyến tàu hỏa di chuyển trên đập mỗi ngày. Một nửa số chuyến tàu vận chuyển xe hơi của hành khách.