Cặp hố đen 'nhảy múa' giữa thiên hà

Các nhà thiên văn Mỹ vừa phát hiện sự tồn tại của hai hố đen khổng lồ di chuyển như nhảy múa xung quanh nhau, giữa một thiên hà xa xôi. 


Giới thiên văn học tin rằng phần lớn thiên hà có một hố đen cực lớn ở khu vực trung tâm. Khi hai thiên hà va chạm hoặc sáp nhập với nhau, hố đen ở trung tâm của chúng có thể hút nhau. Theo thời gian chúng sẽ xoay quanh nhau thành hệ hố đen đôi và tiến tới sáp nhập để trở thành một hố đen lớn hơn.

Giới thiên văn nhận định hệ hố đen đôi tương đối phổ biến trong vũ trụ, nhưng trước đây chúng ta chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào về sự tồn tại của chúng. Trong khi đó, Todd Boroson và Tod Lauer, hai chuyên gia của Trạm thiên văn quang học quốc gia Mỹ tại Arizona, phát hiện hai hố đen trong quá trình phân tích bức xạ. “Bạn không thể nhìn thấy hố đen mà chỉ nhìn thấy những tác động của chúng”, Todd cho biết.

Với lực hấp dẫn cực lớn, hai hố đen trên di chuyển xung quanh nhau ở một nơi cách trái đất khoảng 5 tỷ năm ánh sáng (một năm ánh sáng bằng 9,6 nghìn tỷ km). Hố đen nhỏ hơn có khối lượng gấp 20 triệu lần mặt trời, còn khối lượng của hố đen kia gấp 50 lần hố đen nhỏ. Mỗi hố đen mất khoảng 100 năm để di chuyển hết một vòng xung quanh “đối tác”.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng kích thước của thiên hà và khối lượng của hố đen có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Khi hai hố đen không tương đồng về khối lượng nằm gần nhau, rất có thể thiên hà lớn hơn đã nuốt chửng thiên hà nhỏ”, Todd nhận xét.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất