Cáp quang biển được hàn nối như thế nào?
Theo Wikipedia, cáp quang là một loại cáp viễn thông làm bằng thủy tinh hoặc nhựa, sử dụng ánh sáng để truyền tín hiệu. Cáp quang dài, mỏng, thành phần của thủy tinh trong suốt bằng đường kính của một sợi tóc. Chúng được sắp xếp trong bó gọi là cáp quang và được sử dụng để truyền tín hiệu trong khoảng cách rất xa. Không giống như cáp đồng truyền tín hiệu bằng điện, cáp quang ít bị nhiễu, tốc độ và truyền xa hơn.
Việc nối cáp quang biển được thực hiện bởi các kỹ sư với hệ thống máy móc hiện đại trên tàu chuyên dụng. (Ảnh: Emec).
Không giống như mọi người thường nghĩ về việc hàn nối cáp quang biển sẽ được thực hiện bởi các thợ lặn và máy móc lặn xuống đáy biển. Trên thực tế, công việc hàn nối cáp quang phải thực hiện trên mặt nước bởi tàu nối cáp quang chuyên dụng.
Các thợ lặn cũng không thể lặn xuống tới đáy biển sâu tới hàng vài km, mà phải dùng máy móc của tàu chuyên dụng để tời kéo bó cáp quang từ đáy biển lên mặt nước, sau đó cố định đầu cáp bị đứt bằng phao nổi. Sau đó, tàu nối cáp tiếp tục tìm đầu bị đứt còn lại của tuyến cáp để tiến hành nối từng sợi cáp quang trong phòng kỹ thuật đặc biệt trên tàu.
Sau khi nối hoàn tất các sợi cáp quang, bó cáp bảo vệ sẽ được bọc lại như cũ và được rải trở lại đáy biển. Tuy nhiên quá trình rải cũng đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng để thổi cát dưới đáy biển, tạo thành rãnh đặt cáp quang vào và phủ lấp cát lại lên trên để giảm thiểu khả năng bị va chạm.