Cậu bé 14 tuổi từ chối 30 triệu USD

Với phát minh máy bán dụng cụ sơ cứu tự động, Taylor Rosenthal trở thành người trẻ nhất được chấp nhận tham gia sự kiện công nghệ TechCrunch Disrupt tổ chức tại Brooklyn sắp tới.

Taylor Rosenthal hiện là học sinh lớp 9, trường trung học Opelika, bang Alabama (Mỹ). Cậu bé cảm thấy rất háo hức khi phát minh của mình được triển lãm tại một sự kiện công nghệ tầm cỡ thế giới.

Theo CNN, mặc dù còn nhỏ tuổi, năm ngoái, Taylor đã sáng lập RedMed - một startup gây tiếng vang lớn. Không chỉ huy động được 100.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm, cậu bé 14 tuổi còn từ chối lời đề nghị mua ý tưởng lên tới 30 triệu USD.

Công ty RedMed và ý tưởng về chiếc máy bán dụng cụ sơ cứu tự động bắt nguồn từ một dự án tại Young Entrepreneurs Academy (Học viện Doanh nhân trẻ) - nơi Taylor là 1 trong 19 thành viên của lớp học.

Cậu bé 14 tuổi từ chối 30 triệu USD
Taylor Rosenthal và "đứa con tinh thần" - chiếc máy bán dụng cụ sơ cứu tự động.

Taylor chia sẻ: "Chúng em phải triển khai một ý tưởng kinh doanh. Mỗi lần xem giải bóng chày tại Alabama, em nhận ra rằng, những đứa trẻ có thể bị thương và các phụ huynh không có sẵn bộ dụng cụ y tế. Em muốn giải quyết vấn đề đó".

Ban đầu, Taylor mở các cửa hàng di động ở những giải đấu để bán bộ dụng cụ sơ cứu. Tuy nhiên, cậu bé nhanh chóng nhận ra, giải pháp này không khả thi bởi "chi phí trả cho người bán hàng trong suốt 6 giờ quá tốn kém".

Từ đó, cậu bé nảy ra ý tưởng về chiếc máy có khả năng thay thế con người làm công việc này.

Taylor vẽ phác thảo mẫu thiết kế, tham khảo ý kiến của cha mẹ. Cả hai đều là nhân viên ngành y tế. Họ là những nhân viên chụp X- quang và huấn luyện viên hồi phục thể lực.


Máy bán dụng cụ sơ cứu tự động cung cấp găng tay, băng gạc tiệt trùng, khăn lau y tế...

Vào tháng 12/2015, Taylor được cấp bằng sáng chế sau khi ra mắt mẫu thử nghiệm. Phát minh của cậu bé cho phép người mua chọn bộ dụng cụ cấp cứu được đóng gói sẵn, dùng để đối phó với các vấn đề như bỏng nặng, vết cắt, vết phồng rộp và ong đốt với giá từ 5,99-15,95 USD hoặc mua lẻ các sản phẩm như gạc y tế, găng tay cao su, khăn lau khử trùng... với mức giá cao hơn (6-20 USD).

Clarinda Jones - giáo viên tại Học viện Doanh nhân trẻ - rất tự hào về học trò của mình.

"Tôi cảm thấy bất ngờ trước sự trưởng thành của Taylor trong năm qua. Cậu bé giờ là doanh nhân tự tin và tài năng. Mặc dù vậy, Taylor rất khiêm tốn, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bây giờ Taylor mới 14 tuổi, Bill Gates sẽ phải dè chừng với cậu bé này" - người này cho hay.

Kyle Sandler - nhà sáng lập Round House, một "vườn ươm" doanh nhân - cũng đồng tình với nhận định này.


Clarinda Jones (trái) là giáo viên của Taylor. Cô rất tự hào về học trò của mình.

Taylor hiện là doanh nhân trẻ nhất tại Round House. Tại đây, cậu có văn phòng riêng, có thể tiếp cận đội ngũ tư vấn và đổi 20% cổ phần lấy số tiền đầu tư trị giá 50.000 USD.

"Taylor tận dụng từng phút ở bên ngoài trường học để nghiên cứu phát triển RecMed. Cậu bé chú tâm đến nỗi chúng tôi phải lôi cậu ra ngoài đường vào đêm giáng sinh" - Sandler nói.

Taylor cho biết, cậu bé sẽ theo đuổi con đường kinh doanh và đại học sẽ giúp cậu làm điều đó.

"Em muốn đến Notre Dame vì môi trường đào tạo kinh doanh ở đó rất tốt. Em cũng là fan nền bóng đá ở đó" - cậu chia sẻ.

Taylor là học sinh xuất sắc. Cậu bé hiện tham gia đội bóng chày tại trường trung học và nắm giữ vị trí ném bóng. Cậu từng giành giải ba trong cuộc thi sáng tạo tổ chức tại Boca Raton, Florida.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất