Câu chuyện về 10 bức ảnh không gian đẹp nhất
Nhân dịp Liên Hợp Quốc chọn năm 2009 là "Năm thiên văn", hãng tin MSNBC chọn lọc ra 10 bức ảnh trên trang web của Nemiroff và Bonnell để giới thiệu với công chúng.
Kể từ ngày 16/6/1995, giáo sư Robert Nemiroff, ĐH Công nghệ Michigan và nhà khoa học Jerry Bonnell, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đều đặn thực hiện dự án "mỗi ngày một bức ảnh thiên văn”, hai ông thay phiên nhau chọn lọc những bức ảnh thiên văn đẹp nhất trong ngày để đưa lên website "Top 10 bức ảnh thiên văn học của mọi thời đại”.
Nhân dịp Liên Hợp Quốc chọn năm 2009 là "Năm thiên văn" (kỷ niệm 400 năm nhà khoa học Galileo đại diện loài người lần đầu quan sát bầu trời bằng kính viễn vọng), hãng tin MSNBC chọn lọc ra 10 bức ảnh trên trang web của Nemiroff và Bonnell để giới thiệu với công chúng.
Dưới đây là 10 bức ảnh thiên văn mà MSNBC đánh giá là đẹp nhất:
Sống trên trái đất, loài người chỉ có thể ngắm nhìn mặt trời mọc, mặt trăng mọc... nhưng bức ảnh trên được chụp bởi các phi hành gia tàu Apollo 8 (được đưa lên mặt trăng vào năm 1968) đã đánh dấu lần đầu tiên loài người được ngắm trái đất mọc. Nemiroff cho biết: ”Tôi nghĩ, con người tồn tại trong nhiều bối cảnh. Qua bức ảnh, chúng ta thấy rõ loài người đang cùng sống trong một hòn bi xanh khổng lồ”.
Nhà du hành vũ trụ Harrison Schmitt đi bộ trên mặt trăng bên một chiếc xe nhỏ khi tàu Apollo hạ cánh lần cuối xuống mặt trăng vào tháng 12/1972. Trong khi có rất nhiều những bức ảnh lịch sử chụp từ bề mặt mặt trăng, Nemiroff vẫn nói: ”Tôi thích bức ảnh này. Nó cho ta thấy bề mặt của mặt trăng, cho ta thấy khung cảnh hoang vu nhưng không kém phần lộng lẫy. Và với sự hiện diện của một con người trên đó, chúng ta càng dễ dàng so sánh và cảm nhận”. Gene Cernan, chỉ huy tàu Apollo 17, là nhà du hành cuối cùng đi bộ trên mặt trăng và cũng là tác giả bức ảnh này.
Bức ảnh chụp từ Vệ tinh quan sát mặt trời SOHO mang lại cho loài người một nhận thức mới về mặt trời, thiên thể trung tâm của thái dương hệ. Hình ảnh ngôi sao duy nhất nhìn thấy vào ban ngày này cho thấy đằng sau ánh sáng chói lòa nhìn từ trái đất còn có một sự vận động dữ dội, phức tạp. Góc dưới bên trái quả cầu là một cột lửa lớn bùng ra, thường được gọi là tai lửa, có hình dạng như chiếc móng vuốt khổng lồ. Nemiroff nói: ”Trái đất của chúng ta sẽ dễ dàng nằm gọn trong chiếc móng vuốt đó”.
Mỗi khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần (toàn bộ mặt trăng di chuyển vào giữa mặt trời và trái đất và che kín mặt trời trong một thời gian ngắn), có hàng nghìn người vượt qua hàng nghìn cây số chỉ để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này. Tuy nhiên, họ chỉ quan sát hiện tượng từ bên dưới, các nhà du hành trên Trạm vũ trụ Hòa bình (Mir) may mắn hơn, được theo dõi sự kiện từ trên không gian. Họ đã ghi lại khoảnh khắc hiếm có này vào ngày 11/8/1999. Theo Nemiroff, bức ảnh này là một công cụ giảng dạy tuyệt vời. ”Mọi người sẽ dễ hiểu rằng, việc mặt trăng che khuất mặt trời sẽ tạo thành một bóng đen trên trái đất. Và khi đứng vào khu vực bóng đen đó thì họ sẽ chứng kiến được hiện tượng nhật thực toàn phần”, Nemiroff nói.
Kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại hình ảnh về tinh vân Đại Bàng (hay còn được gọi là Cột Kiến tạo) vào năm 1995. Những cột khí bụi khổng lồ là những cột sáng nghìn năm tuổi được hình thành từ bụi và khí ga đậm đặc. Hỗn hợp này sẽ tích tụ lại và tạo thành các vì sao. Nemoriff cho biết: ”Phía chân cột khí cao nhất đang tiếp tục sôi lên bởi các tinh cầu. Tinh vân này nằm cách mặt đất 7.000 năm ánh sáng, có nghĩa là những hình ảnh này diễn ra cách đây 7.000 năm ánh sáng".
Kính viễn vọng đường kính 0,9 m đặt tại Đài Quan sát Quốc gia Kitt Peak thuộc bang Arizona, Mỹ đã thu được hình ảnh về một “cánh đồng” các cột khí bụi kiến tạo nên tinh vân Đại Bàng, mang lại một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ. Nemoriff cho biết: ”Đây là bức ảnh giúp ta quan sát được trung tâm của tinh vân Đại Bàng từ xa. Và ta có thể thấy các chùm sao màu hồng được định hình tại đây”.
Thiên hà xoắn ốc Andromeda (hay còn gọi là ngân hà Tiên Nữ) được coi là dải ngân hà gần nhất với ngân hà (Milky Way, dải thiên hà chứa hệ mặt trời, trong đó có trái đất) cách địa cầu hai triệu năm ánh sáng. Bằng các thiết bị quan sát, ngân hà Andromedia hiện ra như một đám sương mờ với một mắt trống ở vùng trung tâm. Phi hành gia nghiệp dư Robert Gendler là người chụp được hình ảnh dải ngân hà tuyệt đẹp này, bức ảnh của ông ngoài giá trị nghiên cứu khoa học còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Những hình ảnh thu được từ các vệ tinh quốc phòng của Mỹ được tổng hợp với nhau và tạo nên bức tranh toàn cảnh Trái Đất về đêm. Nemoriff cho biết: ”Đây là bức ảnh có chỉnh sửa duy nhất trong số những bức ảnh thiên văn đẹp nhất".
Vào ngày 12/4/1981, tàu vũ trụ không gian Columbia được phóng thành công tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy thuộc NASA, bang Florida, Mỹ. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong công cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại, đây là lần đầu tiên con người bay vào vũ trụ bằng những tàu con thoi sử dụng nhiều lần.
Bức ảnh này được chụp vào đêm trước vụ phóng tàu lịch sử. Theo Nemiroff, đây là bức ảnh vừa có giá trị về nghệ thuật, vừa có ý nghĩa lịch sử. Chuyến phóng tàu thử nghiệm diễn ra trong hai ngày và kết thúc khi con tàu hạ cánh an toàn tại Căn cứ kông quân Edwards ở bang California, Mỹ.
Nemiroff và đồng nghiệp Jerry Bonnel luôn làm cho trang web của họ trở nên thú vị hơn. Họ đưa lên web những bức ảnh thật với lời bình hoặc tên gọi hài hước. Một trong số những bức đó là "robot tấn công vào Trạm ISS" (Trạm Vũ trụ Quốc tế). Qua tấm hình, ta có thể thấy Trái Đất, trạm vũ trụ, khung cảnh hỗn độn, và sau cùng là con robot có tư thế tấn công trạm ISS. Nhưng trên thực tế, đây là hình chụp robot Dextre thân thiện, phụ giúp các nhà du hành sửa chữa và xây dựng trên không gian.