Cây cần sa có chất hoạt tính cannabinoid là do nhiễm một loài virus cổ xưa
Theo một nhóm nghiên cứu quốc tế, cây cần sa nhận được các gene mã hóa protein để tổng hợp các các chất hoạt tính cannabinoid từ loài virus cổ xưa, đã thâm nhập vào ADN của cây và ở đó cho đến nay.
Theo tạp chí Genome Research, cây cần sa nhận được các gene mã hóa protein để tổng hợp các các chất hoạt tính cannabinoid từ loài virus đã thâm nhập vào ADN của cây và ở đó mãi mãi. Cây cần sa chứa hàng chục chất hoạt tính nhưng chất hoạt tính chính là tetrahydrocannabinol (THC) kích thích sự ngon miệng, ngừa nôn, giảm đau và đương nhiên là chất kích thích thần kinh.
Cây cần sa Cannabis sativa.
Ngoài ra, còn chất hoạt tính tương tự là cannabidiol (CBD), không là chất kích thích thần kinh, nhưng lại giúp xoa dịu tâm trạng lo lắng. Điều lý thú là khả năng tổng hợp những chất này của tổ tiên của cây cần sa hiện đại đã nhận được từ virus.
Một nhóm nghiên cứu gồm Tim Hughes ở Đại học Toronto, Canada và Harm van Bakel ở Bệnh viện Mount Sinai, New York, đã tiến hành nghiên cứu bộ gien của loài cây Cannabis sativa. Ngay từ năm 2011, giáo sư Tim Hughes đã phác thảo bộ gien cây cần sa này nhưng nay mới xác định chính xác một số gene riêng lẻ trong ADN và một số đoạn không được mã hóa. Nhờ vậy, các nhà khoa học đã xác định được một gien chưa từng biết trước đó mã hóa một protein tổng hợp một chất hoạt tính cannabinoid nữa của cây cần sa là cannabichromen (CBC).
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học kết luận rằng giống như các trường hợp xảy ra trong tự nhiên, rõ ràng là hàng triệu năm trước, cây cần sa bị nhiễm một loại virus đã đưa vào bộ gene của cây các gene mã hóa protein để tổng hợp các các chất hoạt tính cannabinoid. Khả năng này hóa ra có ích cho cây và theo thời gian, cây bắt đầu sử dụng nó một cách chủ động, giúp nó tổng hợp các cannabinoid khác nhau.