Cha đẻ của Cách mạng Xanh qua đời
Giáo sư Norman Borlaug, người từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình vì những đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo của nhân loại, vừa từ trần tại Mỹ ở tuổi 95.
Người phát ngôn của Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas – nơi Borlaug làm việc – thông báo rằng ông đã qua đời vào tối 12/9 do những biến chứng của bệnh ung thư.
Theo AP, Borlaug sinh tại Iowa vào năm 1914. Ông học chuyên ngành di truyền và bệnh cây tại Đại học Minnesota. Vào năm 1963, Borlaugh thành lập trung tâm nghiên cứu ngô và lúa mạch để đào tạo các nhà khoa học. Ông là một trong những người sáng lập giải thưởng Lương thực thế giới.
BBC cho hay, tiến sĩ Norman Borlaug dành trọn cuộc đời vào nỗ lực cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho hàng trăm triệu nông dân nghèo trên hành tinh. Cách mạng Xanh do ông khởi xướng đã khiến sản lượng lương thực thế giới tăng hơn hai lần trong khoảng thời gian 1960-1990. Châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh hưởng lợi rất nhiều từ cuộc cách mạng này. Giáo sư Borlaug giành giải Nobel Hoà bình vào năm 1970 do có công trong việc phát triển những giống ngũ cốc cao sản và nhiều kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp.
Trong những năm đầu thập niên 60, giáo sư Borlaug nhận ra rằng, những giống ngũ cốc ngắn ngày sẽ trở thành nhân tố quyết định để tăng năng suất cây trồng. Giống lúa mạch lùn chống bệnh và có năng suất cao mà ông lai tạo nhanh chóng làm tăng sản lượng lúa mạch ở châu Mỹ Latinh. Những kỹ thuật của ông phát huy hiệu quả đặc biệt tại Nam Á – nơi nạn đói hoành hành trong thập niên 60 và 70. Giới chuyên gia nông nghiệp tin rằng, nếu không có Cách mạng Xanh, chắc chắn nhân loại sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong những năm cuối thế kỷ 20.
Uỷ ban giải Nobel tuyên bố Borlaug đã giúp vài trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói. Tiến sĩ Ed Runge, một người bạn của giáo sư Borlaug tại Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas, phát biểu: “Ông ấy đã làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Borlaug vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi ông bước vào độ tuổi 90. Theo BBC, trong một cuộc hội thảo tại Philippines, ông nói: “Chúng ta vẫn có rất nhiều người nghèo đói và đáng thương. Tình trạng đó khiến thế giới trở nên bất ổn. Chúng ta không được phép quên nỗi thống khổ của đồng loại”.