Cha mẹ nói dối để tác động lên hành vi và cảm xúc của con trẻ
Nghiên cứu mới do đại học Toronto và đại học California tại San Diego cho thấy, các bậc phụ huynh nói rằng trung thực là cách xử sự tốt nhất nhưng họ thường nói dối con trẻ để gây ảnh hưởng lên hành vi và cảm xúc của chúng.
Đáng ngạc nhiên là tới nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về việc cha mẹ nói dối. Vì vậy, Gail Heyman, nhà tâm lý học đến từ đại học California tại San Diego đã cùng Diem Luu, một sinh viên cũ của trường này, và Kang Lee, giảng viên đại học Toronto, giám đốc Viện nghiên cứu Trẻ em tại OISE, tiến hành nghiên cứu về hiện tượng mới mẻ này. Họ đã hỏi các tình nguyện viên người Mỹ trong hai khảo sát có liên quan các câu xung quanh việc nói dối con cái – có thể vì mục đích hướng con trẻ theo hành vi đúng đắn, hoặc đơn giản là làm chúng vui sướng.
Ở một trong hai khảo sát, nhiều bậc phụ huynh cho biết họ nói với con rằng những điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu chúng không chịu đi ngủ hay ăn hết phần thức ăn quy định. Ví dụ, một bà mẹ kể bà từng nói với con rằng nếu bé không dùng hết suất ăn, nó sẽ bị nổi mụn trên mặt. Vài vị phụ huynh khác thuật lại việc mình đã “sáng tác” ra các loài sinh vật kì quái. Một người trong số này giải thích: “Chúng tôi nói với con gái rằng nếu nó không chịu gói những núm vú giả mà nó thường nghịch vào các hộp quà, thì một bà tiên sẽ lấy chúng đi và đem cho những đứa trẻ cần dùng núm vú…Tôi nghĩ con tôi nên từ bỏ những núm vú giả nó thường ngậm, như vậy tốt hơn cho sức khỏe.”
Trong một khảo sát khác, các nhà nghiên cứu đã ghi lại hồi ức của các sinh viên đại học về những lần bố mẹ họ nói dối và cũng thu được kết quả tương tự: bố mẹ thường nói dối con cái, cho dù họ luôn khẳng định nói dối là điều không thể chấp nhận được.
Các nhà nghiên cứu gọi thực tế này là “dạy dỗ bằng cách nói dối”. Nhà nghiên cứu Lee nói: “Chúng tôi ngạc nhiên trước tần suất các vị phụ huynh áp dụng cách này. Hơn nữa, các kết quả cho thấy, ngay cả các bậc cha mẹ thường xuyên nhấn mạnh với con cái về tầm quan trọng của đức tính trung thực cũng thực hiện phương pháp dạy dỗ này.”
Heyman đồng ý rằng đôi khi sẽ là bất hợp lý nếu tỏ ra quá trung thực với con trẻ: “Nói với một em bé hai tuổi rằng bạn không thích bức vẽ của nó thì thật là độc ác.” Tuy nhiên, bà thuyết phục các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ tình huống và xem xét các giải pháp thay thế trước khi đi đến quyết định dùng một lời nói dối dù là vô hại.
“Trẻ con đôi khi có những hành động gây khó chịu hoặc có thể làm hại cho bản thân chúng,” Heyman giải thích. “Các bậc phụ huynh thường dùng những mẹo lừa bịp nho nhỏ để giải quyết vấn đề trước mắt. Khi làm như vậy, họ có thể tạm quên đi những lo ngại về hậu quả xấu lâu dài có thể xảy ra đối với niềm tin của trẻ vào sự trung thực.”
Nghiên cứu cũng khảo sát hiện tượng “dạy dỗ bằng cách nói dối” ở các ông bố bà mẹ người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Âu. Người gốc Á có xu hướng dùng cách thức này để gây ảnh hưởng lên trẻ nhiều hơn. Theo các nhà nghiên cứu, một cách giải thích khả dĩ là so với phụ huynh gốc Âu, phụ huynh gốc Á dường như đề cao tầm quan trọng của việc dạy dỗ cho con cái biết kính trọng và nghe lời nhiều hơn, và họ dùng những cách khác nhau để đạt được điều này.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện quốc gia về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người. Kết quả chi tiết được công bố trên tờ Journal of Moral Education số ra mới nhất.
Heyman và Lee hiện đang chuẩn bị cho một khảo sát sâu hơn mang tầm quốc tế về vấn đề này, và họ cũng đang bắt đầu tìm hiểu những hệ quả có thể xảy ra từ việc “dạy dỗ bằng cách nói dối”: Liệu nó có gây lẫn lộn giữa đúng và sai? Liệu nó có làm giảm niềm tin của những đứa trẻ?