Chặn dầu tràn ở Mỹ bằng bùn

Tập đoàn dầu khí của Anh bơm bùn nặng vào giếng dầu rò rỉ dưới đáy vịnh Mexico từ hôm qua nhằm ngăn dầu thoát ra ngoài. 


Hàng nghìn thùng dầu tràn ra vịnh Mexico mỗi ngày kể từ khi dàn khoan Deepwater Horion thuộc quyền sở hữu của tập đoàn BP nổ tung và chìm vào ngày 20/4. BP đang chịu sức ép bịt giếng dầu rò rỉ sau khi các nỗ lực của họ tỏ ra không hiệu quả. Chính phủ Mỹ cảnh báo họ sẽ tiếp quản mọi hoạt động khắc phục và ngăn chặn dầu tiếp tục tràn ra vịnh Mexico nếu BP không nỗ lực hết sức.

AFP cho biết, ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của giới chức Mỹ, BP đã bơm bùn xuống giếng dầu đang rò rỉ từ 18h GMT hôm qua (1h sáng hôm nay theo giờ Hà Nội) trước khi bịt miệng giếng bằng xi măng. Nỗ lực bơm bùn xuống giếng dầu sẽ kéo dài trong hai ngày. BP hy vọng bùn nặng sẽ khống chế được dầu.

Nhưng sau nhiều nỗ lực bất thành trước đây, ông Tony Hayward, tổng giám đốc điều hành của BP, tỏ ra thận trọng hơn khi nói về khả năng thành công của giải pháp mới. Ông nói mọi người không nên hy vọng quá nhiều vì việc bơm bùn vào giếng dầu chưa bao giờ được thực hiện ở độ sâu tới 1.500 m, nơi có áp suất rất lớn.

Theo BBC, các quan chức khác của BP nói khả năng thành công của giải pháp mới là 60-70%. Họ cho rằng các chuyên gia phải chờ vài ngày trước khi biết giải pháp có thực sự phát huy hiệu quả.

Người ta từng bơm bùn vào những giếng dầu trên mặt đất, nhưng giải pháp này chưa bao giờ được thực hiện ở độ sâu tới 1.500 m dưới biển.

"Công việc đang được tiến hành theo đúng kế hoạch", Doug Suttles, người phụ trách việc bơm bùn của BP, phát biểu.

Nếu dầu ngừng thoát ra ngoài giếng nhờ bùn, các kỹ sư của BP sẽ bịt vĩnh viễn miệng giếng bằng xi măng.

Áp lực dồn lên BP ngày càng tăng. Ngư dân, chủ khách sạn, chính trị gia, chủ nhà hàng và người dân dọc bờ vịnh Mexico tỏ ra ngán ngẩm trước những biện pháp không hiệu quả của BP trong nỗ lực ngăn chặn dầu tràn ra khỏi giếng. AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng ít nhất 26 triệu lit dầu thô đã tràn ra vịnh, làm ô nhiễm các đầm lầy của bang Louisiana. Hoạt động đánh bắt cá tê liệt bởi dầu, còn cuộc sống của chim biển và nhiều loài động vật dưới nước cũng bị đe dọa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất