Chấn động từ động đất Nhật Bản vươn tới gần vũ trụ
Cơn địa chấn kỷ lục hồi tháng 3 tại Nhật Bản mạnh đến nỗi sóng chấn động của nó suýt vượt ra ngoài bầu khí quyển.
Một mô hình máy tính cho thấy chiều cao dự đoán làn sóng của sóng thần Nhật Bản chuyển động ngang qua Thái Bình Dương. (Ảnh National Geographic)
National Geographic dẫn lời Emile Okal, một nhà địa vật lý của Đại học Northwestern tại Mỹ, cho biết, khi động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản vào ngày 11/3, mặt đất và mặt biển rung chuyển dữ dội. Chuyển động của mặt đất và mặt biển tạo nên những sóng chấn động trong không khí theo phương thẳng đứng.
Quá trình ấy luôn diễn ra trong mọi trận động đất, nhưng chấn động do cơn địa chấn hồi tháng 3 tại Nhật Bản gây nên hiệu ứng lớn nhất mà con người từng biết.
Tại mặt đất, những sóng chấn động đó rất yếu. Trong quá trình chuyển động lên những tầng không khí mỏng hơn, sức mạnh của chúng tăng đáng kể.
Ở độ cao khoảng 9.100 m – nơi các phi cơ thường di chuyển – biên độ của sóng chấn động tăng lên tới khoảng một mét. Với biên độ ấy, chấn động không đủ mạnh để gây nên một cú xóc đối với máy bay chở khách.
Nhưng khi di chuyển tới tầng không khí phía trên, tầng điện ly, biên độ những sóng chấn động được khuếch đại lên vài nghìn lần so với biên độ ban đầu. Chúng tiếp tục di chuyển lên phía trên và gần như vươn ra ngoài bầu khí quyển.
Một cầu có đường sắt tại Nhật Bản sụp đổ trong trận động đất ngày 11/3. (Ảnh: EPA).
Động đất tại Nhật Bản vào ngày 11/3 là một trong năm cơn địa chấn mạnh nhất từ năm 1900 tới nay. Cùng với sóng thần, nó khiến hơn 22 nghìn người chết và mất tích, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.