Chàng trai bỏ việc để theo đuổi đam mê công nghệ vũ trụ
"Nguyệt thực, nhật thực là gì, các vì sao ngoài kia có như trái đất không" là những câu hỏi từ thủa nhỏ, trở thành động lực để Phan Thanh Hiền dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học về vũ trụ.
Lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Trị, từ nhỏ Phan Thanh Hiền (năm nay 31 tuổi) đã có đam mê to lớn với bầu trời và muôn vàn vì sao bí ẩn.
10 tuổi, Hiền thường cùng các bạn nhỏ trong xóm chạy ra bãi cỏ cạnh hồ nằm ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao. Mỗi khi thấy ngôi sao nào sáng lấp lánh, Hiền lại hình dung nó như đang lao về phía mình, rồi cố gắng chỉ tay để các bạn khác cũng nhìn thấy. Cả bầu trời lúc đó như gần lại trong mắt cậu.
Hiền tưởng tượng các ngôi sao sáng và có màu rực rỡ đến từ thế giới nào đó thật tuyệt. "Các ngôi sao nhấp nháy được nhờ điều gì", Hiền luôn tự hỏi.
Lên cấp 2, bắt đầu có chút hình dung về không gian vũ trụ, Hiền thắc mắc: "Liệu ngoài kia xã hội giống như Trái đất không?". Những cuốn truyện tranh như dũng sĩ Hecsman, 7 viên ngọc rồng... càng khiến cậu bé mộng mơ nhiều hơn về thế giới xa xăm.
Hiền nhớ, lúc 9 tuổi lần đầu tiên có dịp quan sát nhật thực, vì bố mẹ dặn không được nhìn trực tiếp bằng mắt thường nên cậu cùng nhóm bạn làm theo hướng dẫn của một tờ báo dành cho thiếu niên, đó là gom hết các lọ mực có được đổ vào chậu nước rồi nhìn vào đây. Hôm đó trời nhiều mây, các cậu bé quan sát được nhưng chỉ thấy mặt trời khuyết đi một phần.
Trong một lần ngắm trăng ngày rằm, khác với suy nghĩ của Hiền, trăng không to tròn, sáng mà ngay khi mọc lên là trăng khuyết, khoảng một tiếng sau mới tròn lại bình thường. Hiền hỏi người lớn: "Vì sao ngày rằm mà trăng lại không tròn". Sau này Hiền mới biết đó là nguyệt thực.
Phan Thanh Hiền đang du học ở Pháp và thời gian tới sẽ Việt Nam với mong muốn góp phần nhỏ bé trong lĩnh vực vật lý thiên văn. (Ảnh: NVCC).
"Nhật thực, nguyện thực là gì. Với tôi lúc đó là tất cả sự bí hiểm của Trái đất", Hiền nói. Lên cấp 3, cậu ngồi thư viện nhiều hơn để tìm đọc các tài liệu liên quan đến thế giới xa xôi và bí ẩn kia. Các kiến thức trong môn học vật lý và địa lý đã giúp cậu hình dung rõ hơn về không gian vũ trụ. Càng đọc, càng khám phá, Hiền càng bị thu hút bởi sự kỳ bí của bầu trời.
"Thiên văn hấp dẫn tôi vì nó kích thích trí tưởng tượng. Hơn nữa vì nó ở xa, không chạm tay tới nên tôi luôn mơ ước được ra ngoài kia và chạm tay vào thế giới đó", Hiền nói.
Thiên thể nào trên bầu trời cũng hấp dẫn anh, trong đó Hiền thích quan sát nhất là sao Mộc và sao Thổ. Chúng ở xa nên các kính thiên văn cỡ nhỏ rất khó quan sát, vì vậy cảm giác khi thấy sọc mây trên sao Mộc bé bằng hạt đậu hay cả vành đai sao Thổ bé bằng hạt tiêu khiến anh rất phấn khích. Anh hy vọng một ngày nào đó được đặt chân lên vũ trụ, chinh phục Mặt trăng và sao Hỏa.
Muốn theo đuổi lĩnh vực thiên văn, nhưng ở Việt Nam khi đó chưa có trường đào tạo chuyên sâu, gia đình khuyên Hiền nên thi kinh tế hoặc sư phạm. Cuối cùng anh quyết định theo khoa học kỹ thuật vì "ít nhất nó cũng gần hơn với khoa học và công nghệ vũ trụ".
Năm 2004, Hiền thi vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhưng không đỗ. Ôn luyện thêm một năm, Hiền vào học ngành điện tự động hóa đo lường. Câu lạc bộ thiên văn của trường được thành lập đã tạo điều kiện cho Hiền và các bạn sinh viên khác có cơ hội học hỏi và theo đuổi đam mê. Từ năm 2008 đến 2012 anh được bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ.
Năm 2012, Hiền bỏ một công việc ổn định đang làm để theo khóa học thạc sĩ công nghệ vũ trụ đầu tiên ở Việt Nam. Quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình vì đó là lĩnh vực quá xa xôi, bố mẹ sợ anh học xong khó tìm được việc làm. Dần dần anh cũng thuyết phục được người thân và đến nay nhìn lại Hiền thấy rằng "đó là quyết định đúng đắn nhất".
Quá trình học và tìm hiểu về khoa học vũ trụ giúp anh nhận ra lĩnh vực này có vai trò quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, anh tiếp tục xin học bổng và hiện đang ở Pháp để hoàn thành chương trình tiến sĩ. "Sau đó tôi sẽ về Việt Nam làm việc", anh nói và cho biết ước mơ của mình là ngành công nghệ vũ trụ ở trong nước sẽ phát triển đủ mạnh để kéo theo lĩnh vực khác.
Nếu bản thân thành công, anh sẽ quay lại giúp đỡ các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi ngành vật lý thiên văn. "Đã mang tiếng ở trong trời đất / phải có danh gì với núi sông", câu thơ của người xưa mà Hiền yêu thích và coi như phương châm sống của mình.
"Nếu muốn giỏi một nghề thì cần có đam mê, bởi chỉ có đam mê thì ta mới dành 200% khả năng và sức lực cho nó", Hiền nói và cho biết vũ trụ rất rộng lớn, càng đi sâu càng thấy mình như hạt cát lọt thỏm giữa đại dương.