Chất độc trong lá ngón giết người nhanh như thế nào?
Chỉ cần ăn ba lá ngón hoặc dùng với một chút rượu, bạn sẽ mất mạng ngay lập tức.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho hay cây lá ngón (còn gọi là cây co ngón, rút ruột, hoàng đằng, hồ mạn đắng, đoạn trường thảo) khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La đều có loại cây này.
Nguy hiểm chết người khi tiếp xúc với lá ngón
Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.
Alkaloid được biết đến là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật và đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật. Đặc biệt, alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người.
Cây lá ngón mọc tại trường THCS Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: An Hoàng).
Chất này trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7 tiếng.
Nghiên cứu duy nhất về lá ngón tiến hành tại khoa Sinh, Đại học Đà Lạt, cho thấy giã lá ngón thành nước (10g lá, 10ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật. Con người chỉ cần ăn ba lá hoặc một lá với một chút rượu sẽ mất mạng.
Chuyên gia lưu ý lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người.
Chúng ta chỉ cần ngắt lá, bẻ cành, để chất nhựa độc dính vào tay rồi vô tình tiếp xúc với đồ ăn, vết thương hở, lập tức các độc tính sẽ gây ra triệu chứng ngộ độc.
Theo lương y Hồng Minh, độc lá ngón gây tử vong rất nhanh vì độc tính nội tại quá mạnh.
Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Cách xử lý khi bị ngộ độc lá ngón
Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện E Trung ương, bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc lá ngón, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải kiểm soát ngay các chức năng sống như hô hấp cho bệnh nhân nằm nghiêng, dẫn lưu tư thế, hút đờm rãi và các biện pháp làm thông thoáng đường thở, liệu pháp oxy, đặt ống nội khí quản, thở máy nếu cần, duy trì mạch, huyết áp.
Lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc.
Sau đó, chúng ta cần tìm cách loại bỏ chất độc khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn (nếu bệnh nhân tỉnh và hợp tác tốt), rửa dạ dày (nếu bệnh nhân hôn mê phải đặt ống nội khí quản có bóng chèn để tránh sặc phổi).
Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng than hoạt tính để hấp phụ chất độc còn tồn tại trong đường tiêu hóa.
Các cơn co giật là nguyên nhân gây nên suy hô hấp, tiêu cơ vân cấp, rối loạn nước điện giải và thăng bằng kiềm toan nên phải được khống chế bằng mọi cách. Bên cạnh đó, các biện pháp hồi sức chung cũng cần được tiến hành như hồi sức hô hấp: thở oxy hoặc thở máy qua ống nội khí quản; hồi sức tuần hoàn, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm nếu có thể.
Bệnh nhân được chỉ định dùng các thuốc nâng huyết áp, điều trị các rối loạn nhịp tim, chống suy thận cấp bằng truyền dịch và lợi tiểu liều cao, lọc máu, bồi phụ đủ nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan, điều chỉnh các rối loạn khác như rối loạn đông máu (nếu có) cũng như đảm bảo nuôi dưỡng, săn sóc chống loét, kháng sinh chống nhiễm khuẩn.
Đặc điểm nhận dạng cây lá ngón Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài một cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận. |