Châu Phi sử dụng chuột để rà phá bom mìn

Sử dụng chuột để phát hiện bom mìn là phương pháp được áp dụng tại châu Phi, với mục tiêu hạn chế những tác động nguy hiểm đến cuộc sống của người dân.

Chuột túi Gambia, loại chuột túi lớn ở châu Phi, được huấn luyện theo dự án Hero Rat do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Sokoine của Tanzania tiến hành, với mục đích để dò và phát hiện bom mìn ở một số quốc gia của lục địa đen.


Một con chuột được huấn luyện dò bom mìn trên cánh đồng châu Phi. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia sẽ huấn luyện cho chuột kỹ năng đánh hơi và cào đất khi tìm thấy mìn. Nếu phát hiện vị trí nguy hiểm, chúng sẽ được "thưởng" chuối hoặc thức ăn. Trong ngày, một con chuột tìm kiếm ở khu vực có diện tích lớn hơn khoảng 14 lần so với thiết bị thông thường. Với chế độ huấn luyện nghiêm ngặt hơn, "cỗ máy dò mìn" đặc biệt trên có thể thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi từ 200-400m2 mỗi ngày.

Mirror cho hay, vì có trọng lượng khá nhẹ, nên chúng có thể di chuyển qua nhiều nơi có bom mìn mà không gây nổ. Theo nhóm nghiên cứu, loài chuột này sẽ làm bất cứ điều gì có thể giúp chúng có được thức ăn. Đây cũng là loài có thể thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại.

"Tác động kinh tế xã hội của bom mìn và đạn chưa phát nổ là rất lớn. Hầu hết cư dân ở đây đều phụ thuộc vào đất đai để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi động vật, hay thậm chí là cung cấp gỗ", Tekimiti Gilbert, người đứng đầu chương trình hành động của tổ chức phi chính phủ APOPO, đơn vị điều hành dự án, cho hay.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, có 72 quốc gia trên thế giới hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng từ bom mìn chưa phát nổ. Tại châu Phi, dự án sẽ được áp dụng ở Mozambique và dọn sạch bom mìn ở quốc gia này trong thời gian tới.

 Tiêu đề đã được khoahocnews.com đổi lại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất