Chạy đua với thời gian để tìm hiểu về loài cá mập bí ẩn nhất hành tinh

Bảo tàng Smithsonian đã có trong tay xác chết đông lạnh của một con megamouth - loài cá mập bí hiểm nhất hành tinh - và các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu thêm về loài này.

Theo CNN, việc nghiên cứu sẽ được tăng tốc tối đa trước khi xác của con cá mập cực hiếm này bắt đầu phân hủy. Con cá mập megamouth này được các ngư dân Đài Loan bắt được vào năm 2018, và xác nó vẫn được lưu giữ trong một khối đá đông lạnh cho tới nay.

Cá mập megamouth có tên khoa học là Megachasma pelagios, nổi tiếng với cái miệng rộng luôn mở trên cái đầu tròn của chúng. Loài này được cho có kích thước tối đa vào khoảng 5,2 mét và là loài nhỏ nhất trong số 3 loài cá mập ăn lọc (filter-feeding) gồm cá mập voi, cá nhám phơi nắng và megamouth.

Ăn lọc là một kiểu ăn của động vật bằng cách ăn các loại thức ăn thông qua việc lọc các hạt vật chất và thực phẩm trôi nổi từ nước, thường bằng cách há miệng thật lớn hoặc có các lỗ nước để cho nước (có các loài động vật, thực vật) đi qua một cấu trúc lọc chuyên dụng và ở đây, các loại thức ăn sẽ được giữ lại để đưa vào hệ tiêu hóa, còn lượng nước thì được đẩy ra ngoài theo một cơ chế riêng.


Một con cá mập megamouth cái mà các ngư dân Nhật Bản bắt được hồi năm 2014. (Ảnh: Twitter).

"Khi nói về cá mập, megamouth có lẽ là loài độc đáo nhất và có hình thù kỳ dị nhất. Miệng của chúng luôn mở còn hàm trên thì nhìn như mui gấp của một chiếc xe hơi mui trần vậy", ông Paul Clerkin, nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Biển Virginia, nhận định.

Cá mập megamouth lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976, hoàn toàn tình cờ bởi Hải quân Mỹ tại vùng biển Hawaii. Sau khi thả 2 mỏ neo xuống độ sâu khoảng 150 m, họ thấy một con cá quái dị mắc vào dây.

Kể từ đó, việc nhìn thấy loài cá mập bí hiểm này đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida.

Ông Clerkin, người đến Đài Loan để mang mẫu vật về Bảo tàng Viện Smithsonian, sẽ cộng tác với những nhà nghiên cứu khác để làm sáng tỏ câu hỏi về đời sống của loài cá mập bí ẩn này.

"Tìm hiểu lịch sử đời sống của cá mập là rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta không biết rõ vai trò của chúng với các hệ sinh thái biển hoặc mức độ nhạy cảm của chúng với các áp lực do con người tạo ra", ông Clerkin chia sẻ.

Sau khi việc nghiên cứu hoàn tất, xác của con cá mập megamouth sẽ được bảo quản bằng formaldehyde và sau đó là ethyl alcohol để giữ được lâu hơn. Nó sẽ trở thành 1 phần của bộ sưu tập 6 triệu mẫu vật về các loại cá của bảo tàng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất