Chế độ ăn nhiều béo dẫn tới ngu đần và lười biếng?
Nghiên cứu tiến hành bởi đại học Oxford cho thấy, những con chuột hưởng chế độ ăn giàu chất béo bị giảm mức dẻo dai thể chất và khả năng nhận thức sau 9 ngày thử nghiệm.
Nghiên cứu có ý nghĩa đối với không chỉ những người đang ăn nhiều chất béo, mà cả với các vận động viên đang tìm kiếm một chế độ ăn tối ưu phục vụ cho luyện tập cũng như các bệnh nhân bị rối loạn trao đổi chất. Chi tiết kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ FASEB Journal.
“Chúng tôi thấy rằng chuột khi chuyển từ chế độ ăn ít béo thông thường của chúng sang chế độ ăn nhiều chất béo đã nhanh chóng suy giảm các hoạt động thể chất,” tiến sĩ Andrew Murray, trưởng nhóm nghiên cứu của đại học Oxford, cho biết. “Sau 9 ngày, chúng chỉ còn khả năng chạy xa bằng 50% so với thông thường.”
Chế độ ăn giàu chất béo thường thấy ở các nước phương Tây được cho là có hại về dài hạn và có thể dẫn tới nhiều vấn đề như béo phì, tiểu đường và suy giảm chức năng tim. Chúng cũng đi kèm với sự giảm sút khả năng nhận thức trong dài hạn. Tuy nhiên, trước nay người ta hầu như chưa chú ý tới những tác động ngắn hạn của chế độ ăn này.
Sức dẻo dai thể chất – nói nôm na là khả năng duy trì vận động trong bao lâu – phụ thuộc vào lượng oxy được cung cấp tới các cơ bắp và mức độ hiệu quả mà cơ bắp sản sinh ra năng lượng từ việc đốt cháy nguyên liệu từ thức ăn của chúng ta. Cụ thể, việc sử dụng chất béo làm nguyên liệu cho quá trình này tỏ ra ít hiệu quả hơn sử dụng gluco từ các hydrat-cacbon, nhưng những thay đổi về chuyển hóa chất gây ra bởi các chế độ ăn khác nhau rất phức tạp và người ta vẫn tranh cãi xung quanh câu hỏi liệu việc hưởng một chế độ ăn giàu chất béo trong thời gian ngắn sẽ làm tăng hay giảm khả năng hoạt động thể chất.
Nhóm nghiên cứu đại học Oxford đã tiến hành khảo sát để xem chuột hưởng chế độ ăn giàu chất béo trong ít ngày có thay đổi gì về khả năng thể chất và nhận thức hay không.
Tất cả 42 con chuột trong thí nghiệm ban đầu đều được cho ăn theo chế độ chuẩn với hàm lượng chất béo chỉ chiếm 7,5%. Mức dẻo dai thể chất của chúng được đo bằng khoảng cách mà chúng chạy được trên một cối xay guồng và trí nhớ ngắn hạn được đo bằng một bài toán tìm đường thoát khỏi mê cung. Sau đó, một nửa số chuột được chuyển sang chế độ ăn nhiều béo với 55% là chất béo. Sau 4 ngày khi chuột đã quen với chế độ ăn mới, mức dẻo dai thể chất và khả năng nhận thức của hai nhóm thí nghiệm sẽ được so sánh trong 5 ngày.
“Với chế độ ăn chuẩn, 7,5% năng lượng lấy từ chất béo. Đây thực sự là một chế độ ăn ít béo, tương đương với một người không ăn gì ngoài điểm tâm nhẹ,” tiến sĩ Murray giải thích. “Trong khi đó, chế độ ăn giàu béo, với 55% năng lượng lấy từ chất béo, nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thực ra lại rất phổ biến trong các thực đơn của con người. Một chế độ ăn với những món đồ vặt mà bạn dùng tạm khi vội cũng tương tự như chế độ giàu béo nói trên.”
“Một vài thực đơn giàu chất béo, ít hydrat-cacbon với mục đích giảm cân thậm chí còn có hàm lượng chất béo lên tới 60%. Tuy nhiên, chúng tôi không chắc chắn bao nhiêu phần trong những kết luận từ nghiên cứu này có thể áp dụng trực tiếp cho những thực đơn kiểu như vậy, do chế độ ăn giàu chất béo mà chúng tôi sử dụng trong thử nghiệm không hẳn là ít hydrat-cacbon,” ông nói thêm.
Vào ngày thứ 5 sau khi áp dụng chế độ ăn giàu chất béo, chuột chạy xa được ít hơn 30% so với những con vẫn hưởng chế độ ăn thông thường. Đến ngày thứ 9, ngày cuối cùng của thử nghiệm, chúng chỉ còn chạy được bằng 50%.
Chuột ăn nhiều chất béo cũng mắc lỗi sớm hơn trong bài toán thoát khỏi mê cung, một dấu hiệu cho thấy khả năng nhận thức của chúng đã bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Số lượng quyết định đúng đắn trước khi mắc lỗi giảm từ trên 6 xuống còn 5 hay 5,5.
Các nhà nghiên cứu cũng đã khảo sát chế độ ăn giàu chất béo gây ra thay đổi chuyển hóa chất nào ở chuột. Họ chứng kiến mức tăng của một ‘protein không liên kết’ trong các tế bào tim và tế bào cơ ở chuột ăn nhiều béo. Protein này không tham gia quá trình đốt cháy thức ăn thành năng lượng trong tế bào, làm giảm hiệu quả hoạt động của tim và các cơ bắp. Điều này ít nhất cũng giải thích được phần nào mức giảm khả năng vận động như đã thấy ở chuột thí nghiệm.
Chuột ăn nhiều béo và tập luyện chạy trên cối xay guồng có tim phình to hơn rõ rệt sau 9 ngày, điều này được giải thích rằng tim chúng đã phải tăng kích thước để bơm nhiều máu hơn cho cơ thể và cung cấp nhiều oxy hơn cho hệ cơ.
Trong khi thí nghiệm này được tiến hành ở chuột, nhóm của Murray hiện cũng đang tiến hành một khảo sát tương tự trên người nhằm xem xét các tác động của chế độ ăn nhiều chất béo trong ngắn hạn tới khả năng tập luyện và nhận thức.
Kết quả nghiên cứu là rất quan trọng đối với không chỉ các vận động viên đang tìm kiếm một chế độ ăn tối ưu cho việc tập luyện, mà với cả những bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa chất như béo phì, tiểu đường hay kháng insulin. Người mắc các bệnh này có thể có lượng mỡ trong máu cao hơn, ít khả năng tập luyện thể chất hơn và bị suy giảm nhận thức, thậm chí có thể phát triển chứng tâm thần phân liệt qua thời gian.
“Đây là những kết quả gây sửng sốt,” giáo sư Kieran Clarke, trưởng nhóm nghiên cứu tại đại học Oxford cho biết. “Nó cho thấy ăn nhiều chất béo ngay cả trong một thời gian ngắn thôi cũng gây ảnh hưởng rõ rệt tới biểu hiện gen, chuyển hóa chất và khả năng vận động thể chất. Bằng cách tối ưu hóa chế độ ăn hợp lí, chúng ta sẽ giúp các vận động viên tăng cường sức dẻo dai và giúp bệnh nhân mắc các chứng rối loạn chuyển hóa chất cải thiện được khả năng vận động và làm nhiều việc khác.”
“Chỉ trong hơn một tuần, thay đổi chế độ ăn đã khiến tim của chuột hoạt động kém hiệu quả hơn,” giáo sư Jeremy Pearson, Giám đốc Y khoa của Quỹ Tim mạch Vương quốc Anh, cơ quan tài trợ cho nghiên cứu lần này, phát biểu. “Chúng tôi đang trông chờ kết quả của thí nghiệm tương tự trên cơ thể người, với hi vọng thí nghiệm mới sẽ tiết lộ nhiều hơn về các tác động ngắn hạn của thức ăn giàu chất béo đối với tim. Tới nay, chúng ta đã biết rằng, cắt giảm các thức ăn chứa chất béo no là một cách để bảo vệ sức khỏe tim mạch trong dài hạn.”