Chế tạo thành công gel có thể ngăn chặn cháy rừng

Thông thường, chỉ khi các vụ cháy rừng đã lan rộng thì lính cứu hỏa mới có mặt để dập lửa hoặc tạo vành đai nhằm giảm thiểu thiệt hại. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm cách ngăn chặn quá trình đó trước khi nó bắt đầu.

Các nhà khoa học và kỹ sư từ Đại học Stanford, Mỹ mới đây đã công bố trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia về việc tạo ra một chất lỏng giống như gel có thể phun vào các khu vực có nguy cơ cháy. Chất lỏng dựa trên cellulose, một hợp chất cao phân tử không tan trong nước, có thể hoạt động như một chất chống cháy. Trước đó, các ứng dụng chống cháy truyền thống chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng điểm mạnh của gel là nó có thể tồn tại qua mưa gió để phòng ngừa các đám cháy trong suốt một mùa.


Một vùng cỏ bị cháy ngay khi bắt lửa (bên trái), trong khi lửa không bắt được vào khu vực cỏ đã phun gel (bên phải).

Giáo sư khoa học và kỹ thuật vật liệu Eric Appel tại Đại học Stanford cho biết: "Điều này có khả năng làm cho việc chữa cháy ở vùng hoang dã trở nên chủ động hơn nhiều”.

Những đám cháy dữ dội đã lan rộng khắp California và những nơi khác trên thế giới trong những năm gần đây. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở California, 84% trong số 305.000 đám cháy trong thập kỷ qua bắt đầu ở ven đường, nơi một điếu thuốc lá ném ra ngoài cửa sổ xe hơi hoặc một chiếc xe phả hơi nóng sang bên đường có thể dễ dàng đốt cháy cỏ khô.

Các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra lặp đi lặp lại trong cùng một khu vực từ năm này qua năm khác, Giáo sư Eric Appel nói. Có một đoạn đường dài bốn dặm ở California, mỗi năm có 35 đến 40 đám cháy. Các “điểm nóng” khác bao gồm khu cắm trại và khu vực dưới đường dây điện, nơi ngọn lửa đã phá hủy thị trấn Paradise, California, một năm trước, giết chết 85 người, do đường dây truyền tải điện gây ra cháy trên thảm thực vật khô, nóng. Nhóm nghiên cứu đang làm việc với chính quyền California để thử nghiệm gel ở các khu vực ven đường có thể dễ bị cháy rừng.

Gel chống cháy được mô tả là "lành tính với môi trường". Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm rải gel trên cỏ và đốt lửa, ngọn lửa nhanh chóng tự dập tắt. Nghiên cứu mới này có thể trở thành một công cụ mới mạnh mẽ để ngăn chặn cháy rừng vốn đang trở thành một chủ đề ngày càng nóng khi biến đổi khí hậu và thời tiết hạn hán ngày càng dữ dội hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất