Chế tạo thành công tay robot cử động uyển chuyển như tay người thật

Sản phẩm này là kết quả sau 7 năm nghiên cứu và phát triển, áp dụng công nghệ quân sự và sử dụng công thức từ các kỹ sư xe đua F1.

  • Chân giả có cảm giác như chân thật đầu tiên trên thế giới
  • Lắp ghép điện thoại vào cánh tay giả

Tay robot cử động uyển chuyển như tay người thật

Được phát triển bởi Steeper, một nhà sản xuất các bộ phận nhân tạo có trụ sở tại Anh, đây là mẫu bàn tay tiên tiến và giống với tay người nhất. Sản phẩm này là kết quả sau 7 năm nghiên cứu và phát triển, áp dụng công nghệ quân sự và sử dụng công thức từ các kỹ sư xe đua F1.

Bên cạnh đó, các vật liệu để tạo ra bàn tay này bao gồm nam châm hiếm trên Trái Đất dùng cho hệ thống điều khiển ngón; và hợp kim nhôm vốn được sử dụng trong ngành công nghiệp máy bay nhằm giúp cho "bàn tay máy" này nhẹ hơn.

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bằng cách tạo ra một cấu trúc dựa trên kiến trúc bàn tay nhỏ thông thường và sau đó lắp các chi tiết cơ khí vào nhằm tạo tính chính xác về mặt tổng thể. Theo Ted Varley, giám đốc kỹ thuật của Steeper, cho biết những thiết kế trước đây thường nhắm vào công nghệ trước rồi mới đi đến hình thành cấu trúc bàn tay, do đó kết quả sản phẩm đem lại ít giống với tay người thật.

Phát triển theo đúng cấu trúc bàn tay người giúp cho sản phẩm hoạt động khá tốt, bên cạnh đó, bàn tay nhân tạo này có thể thực hiện được 14 tư thế cầm nắm khác nhau. Đã có 337 chi tiết cơ khí được sử dụng để hình thành nên "bàn tay máy" này, kích thước của nó cũng được thu nhỏ lại để phù hợp hơn với phụ nữ, các bạn teen và những người đàn ông nhỏ con.

Mặc dù được lắp rất nhiều chi tiết cơ khí, nhưng tổng khối lượng của bàn tay này chưa đến 400 gram. Một số người sẽ nghĩ rằng với khối lượng như thế thì "tay máy" này làm sao có thể làm được việc nặng? Theo nhà phát triển cho biết, bàn tay này có thể chịu được sức nặng lên đến 99 pounds, tương đương 45 kg.


Nicky Ashwell và bàn tay mới của mình.

Vậy bàn tay này hoạt động ra sao? Bên trong bàn tay này có nhiều cảm biến khác nhau để đọc các cử động cơ của người dùng, sau đó gửi thông tin đến các mô-tơ trên ngón tay và bộ vi xử lý để điều khiển các ngón tay này. Bên cạnh đó, bàn tay máy này còn có tính năng tự động cầm nắm, khi phát hiện một vật nào đó sắp tuột ra khỏi tay, thiết bị này sẽ gửi thông tin xử lý và bàn tay này sẽ nhanh chóng bắt kịp đồ vật đó để không bị rơi ra.


Ashwell sử dụng cánh tay robot rất thành thục.

Bàn tay nhân tạo này vừa qua đã được lắp cho một người phụ nữ 29 tuổi có tên Nicky Ashwell, cô đã bị mất cánh tay phải khi vừa lọt lòng mẹ. Trước đây, cô từng sử dụng một cánh tay giả, tuy nhiên nó không thể cử động và hầu như Ashwell không thể nào tận dụng được đa số các chức năng mà một bàn tay bình thường có thể đem lại. Giờ đây với bàn tay mới này, Ashwell cho biết nó đã giúp cải thiện phần lớn đời sống sinh hoạt của cô, cũng như giúp cô làm được nhiều công việc hơn mà trước đây không thể.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất