Chim có máy điều hòa nhiệt độ
Bí mật về cặp mỏ lớn của chim tucăng khiến giới tự nhiên học đau đầu suốt bao thế kỷ. Mãi tới gần đây các nhà khoa học Brazil mới phát hiện ra rằng mỏ giúp chúng làm mát cơ thể.
Chim tucăng (gồm 38 loài) sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Mỹ. Chúng có bộ lông sặc sỡ, mỏ lớn và ăn trái cây. Nếu tính về tỷ lệ giữa mỏ và thân thì tucăng là loài có mỏ lớn nhất trong thế giới chim. Nhà tự nhiên học Charles Darwin – cha đẻ của thuyết tiến hóa - cho rằng mỏ lớn là công cụ giúp chim tucăng thu hút sự chú ý của bạn tình, nhưng nhiều nhà khoa học khác cho rằng chúng dùng mỏ để bóc vỏ trái cây hoặc đe dọa kẻ thù.
Nhưng một nghiên cứu gần đây chứng minh rằng những phán đoán trên đều không đúng.
Các nhà khoa học của Đại học Estadual Paulista (Brazil) nghiên cứu khả năng làm mát của 6 con Ramphastos toco - loài có mỏ lớn nhất trong nhóm chim tucăng. Nhóm chuyên gia dùng camera hồng ngoại (có khả năng phát hiện sự biến đổi của thân nhiệt) để theo dõi quá trình lưu chuyển nhiệt trong cơ thể chim.
"Camera hồng ngoại giúp chúng tôi theo dõi nhiệt độ ở bề mặt của mỏ chim tucăng khi chúng tiếp xúc với không khí có nhiệt độ từ 10 tới 35 độ C. Thậm chí nó còn cho phép chúng tôi đo chính xác nhiệt độ ở mỏ", tiến sĩ Denis Andrade, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Andrade nhận thấy, khi nhiệt độ môi trường xung quanh tăng, mỏ của chim tucăng cũng nóng lên nhanh chóng. Khi đó, nhiệt từ cơ thể chim được truyền về mỏ qua máu. Khi lên tới bề mặt mỏ, máu sẽ nguội đi nhanh chóng do tiếp xúc với không khí. Quá trình đó khiến nhiệt độ cơ thể chim giảm. Ngược lại, khi nhiệt độ môi trường xung quanh giảm, mỏ của chim tucăng lại nguội đi.
Tác dụng của "chiếc máy điều hòa tự nhiên" thể hiện rõ rệt nhất vào ban đêm. Khi mặt trời lặn, chim chỉ mất vài phút để hạ thân nhiệt bằng mỏ. Điều đó giúp chúng ngủ ngon hơn.
Mỏ chim tucăng có hệ thống mạch máu phức tạp, cho phép chúng tăng hoặc giảm lượng máu lên mỏ vào mọi thời điểm. Vì thế, nếu muốn hạ nhiệt nhanh khi trời nóng, chim chỉ cần tăng lượng máu lên mỏ.
"Ngược lại, khi trời trở lạnh, chim tucăng giảm lượng máu tới mỏ để duy trì nhiệt trong cơ thể. Nhìn chung, cơ chế thay đổi lượng máu lên mỏ có thể giúp chúng giảm từ 5 tới 100% nhiệt trong cơ thể", Andrade giải thích.
Nhiều loài động vật khác cũng sử dụng một bộ phận trên cơ thể để làm mát. Chẳng hạn, voi và thỏ hạ thân nhiệt nhờ tai. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ tương đối giữa mỏ và thân thì có thể nói chim tucăng sở hữu chiếc máy điều hòa tự nhiên lớn nhất trong thế giới động vật.