Chim phân biệt được nhiều màu sắc hơn người
Các nhà khoa học Anh cho biết mắt chim phân biệt được nhiều màu sắc hơn mắt người. Chính ánh sáng tử ngoại mà người không trông thấy được mới giữ vai trò chủ yếu trong đời sống các loài chim.
Mắt các loài chim có tới 4 thụ quan trong khi con người chỉ có 3.
Báo InoPressa, trích dẫn từ Tạp chí Corriere della Sera, đưa tin nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Birmingham (Anh Quốc) đã nghiên cứu các sóng ánh sáng phản chiếu từ vỏ trứng chim và phát hiện: Vỏ trứng có chứa sắc tố protroporfirin và biliverdin, khiến vỏ trứng (dù chỉ một màu hay lốm đốm) có sắc độ riêng. Proporfirin làm vỏ trứng có màu nâu nhạt, còn biliverdin làm trứng hơi xanh lơ hoặc xanh lá cây.
Philipp Cassy, điều phối viên của dự án cho biết đối với chim các màu sắc quan trọng nhất hình thành là nhờ ánh sáng tử ngoại. Mắt người không nhận ra được loại ánh sáng này nhưng chính nó giúp chim bảo vệ được trứng khỏi bị các loài chim dữ ăn mất bằng cách nguỵ trang hoặc phân biệt trứng của mình với trứng đồng loại.
Người ta đã biết rằng trong mắt người cũng như mắt các loài có vú chỉ có 3 thụ quan (receptor) trong khi các loài chim có 4 thụ quan. Một thụ quan được dành riêng để nhận biết tia tử ngoại.