Chim truyền thông điệp thành công trong tiếng hót
Một số loài chim di trú biết hót có thể tìm ra nơi tốt nhất để sinh sống bằng cách nghe lỏm tiếng hót của các con chim khác đã có con. Đặc tính hành vi và giao tiếp này rất mạnh mẽ, đến nỗi mà dù các nhà nghiên cứu sử dụng băng thu tiếng hót để dụ chúng đến nơi làm tổ chúng thậm chí còn tránh xa những nơi đó.
Điều này cho thấy chim biết hót có khả năng giao tiếp phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn biết. Đầu mối xã hội có thể có tầm quan trọng ngang bằng hoặc hơn điều kiện tự nhiên của một môi trường sống nào đó.
Khám phá được đăng tải trên một tờ báo chuyên ngành, tờ Proceedings of the Royal Society B do các nhà khoa học thuộc đại học bang Oregon cùng với các cộng sự thuộc đại học Wellesley, đại học Queen và đại học Trent tại Ontario, Canada thực hiện.
Matthew Betts – trợ lý giáo sư đại học bang Oregon chuyên ngành khoa học nghiên cứu rừng đồng thời là chuyên gia sinh thái điểu cầm học – cho biết: "Tìm ra môi trường sống thích hợp để sinh sản là vấn đề giữa sự sống và cái chết đối với đa số các loài chim. Thời gian sống của chúng không nhiều và chúng phải tìm ra nơi thích hợp ngay lần đầu tiên”.
“Sự khôn ngoan thể hiện ở chỗ chúng lựa chọn địa điểm làm tổ đơn độc dựa trên cấu trúc thảm thực vật. Nếu một con chim chọn nơi làm tổ không có chỗ trú hay nguồn cung cấp thức ăn, nó chắc chắn sẽ không thể sinh sản thành công. Nhưng hiện chúng tôi đã biết rằng chim non có thể lắng nghe tiếng hót của những con chim giàu kinh nghiệm và thành công hơn rồi sử dụng thông tin thu được để quyết định nơi chúng sẽ làm tổ vào năm sau”.
Các nhà khoa học khám phá ra điều này qua các cuộc nghiên cứu thực nghiệm tại 54 địa điểm nghiên cứu với loài chim chích xanh cổ đen tại dãy núi White ở bang New Hampshire. Trong suốt mùa thu khi một vài con chim đã có bạn tình và cất tiếng hót cho chim non nghe - có lẽ là để dạy chúng cách hót, các nhà nghiên cứu đã bật băng thu tiếng hót của chúng tại các địa điểm khác vốn là môi trường sống rất tệ hại với loài chim. Những con chim chích xanh cổ đen khác bay qua, nghe thấy tiếng hót liền quyết định đây chắc chắn là một nơi phù hợp để sinh sống bất chấp điều kiện môi trường tệ hại có thể quan sát được. Chúng thậm chí còn quay lại chính nơi này để làm tổ vào mùa xuân năm sau.
Chim đực có xu hướng nghe theo “lời chỉ dẫn” từ tiếng hót gấp 4 lần so với kinh nghiệm thực của chúng về môi trường tự nhiên nơi sinh sống. Ngay cả khi chim đực đã lựa chọn sai lầm, chim cái vì quá tin vào phẩm chất của chim đực mà cũng theo bạn đời đến đó.
Betts nói: “Chúng tôi quan sát thấy rất nhiều chim đến định cư tại môi trường sống không thích hợp, chỉ vì chúng đã nghe đoạn băng thu tiếng chim hót của chúng tôi vào năm ngoái. Thực sự chúng tôi rất ngạc nhiên về sức mạnh tác động của loại hình giao tiếp này”.
Nghiên cứu chỉ được thực hiện ở một loài chim biết hót nhưng kết quả thu được có lẽ cũng liên quan đến ít nhất một vài loài chim biết hót khác, thậm chí với cả các loài động vật. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về tự nhiên cũng như tầm quan trọng của các hình thức giao tiếp ở động vật, nhưng các nghiên cứu như thế này chỉ ra rằng động vật thực chất “nói chuyện” với nhau bằng các cử chỉ xã hội nhằm truyền đạt các thông tin có tầm quan trọng tương đối.
Trong thế giới tự nhiên, việc tạo ra âm thanh ở bất kì dạng nào cũng có cái giá phải trả. Âm thanh đó có thể báo động cho những kẻ săn mồi về sự xuất hiện của chúng ta. Do đó “hoàn toàn là hợp lý nếu việc giao tiếp bằng âm thanh có nguy cơ thì chắc chắn nó phải mang lại những lợi ích quan trọng”.
Đôi khi chúng ta hiểu rằng loài chim tạo ra nhiều âm thanh và tiếng hót khác nhau vì một số nguyên nhân nhất định, ví dụ như bảo vệ lãnh thổ hay thu hút bạn tình. Một khúc ca êm ái thường được sử dụng nếu có sự có mặt của con cái. Nghiên cứu dựa trên ý nghĩa của hình thức giao tiếp đó với mức độ cao hơn với ngụ ý rằng những gì loài chim nghe được có thể còn quan trọng hơn những gì chúng thực sự quan sát thấy hoặc trải nghiệm.
Khả năng này có lẽ rất hữu ích khi thay đổi khí hậu xảy ra hoặc các thay đổi nhanh chóng của môi trường sống. Đây chính là con đường tắt rất giá trị. Nếu loài chim có thể nghe được các đầu mối âm thanh rồi đưa ra quyết định nhanh chóng về những việc quan trọng ngang bằng với việc lựa chọn nơi làm tổ trong tương lai, chúng sẽ phản ứng nhanh hơn và phù hợp hơn với điều kiện môi trường đang bị suy thoái mà không cần phải tự đến đó để kiểm nghiệm.
Betts cho biết: “Nếu một con chim bay qua một vùng rộng lớn và chỉ cần nghe tiếng hót của con khác để tìm ra 10 nơi làm tổ thích hợp, điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn”.
“Hầu hết các loài chim di trú đều sống theo lãnh thổ và chúng vẫn tranh giành nhau địa điểm sinh sản mỗi năm. Nhưng có thể sẽ có một địa điểm nào đó bị bỏ không bởi những con chim bị chết trong mùa đông. Với một chút năng lượng những con chim đã tìm ra một nơi làm tổ để nuôi dưỡng con non chỉ bằng cách lắng nghe tiếng hót của những con chim khác về thành công của chúng”.