Chỉnh sửa gene có thể làm mất đi những thiên tài

Theo The Daily Mail, tác giả của cuốn sách "Prometheus hiện đại: Chỉnh sửa các bộ gien người với Crispr-Cas9" tiến sĩ James Kozubek khẳng định: có khả năng những tiến bộ trong di truyền học không chỉ giúp loài người loại trừ các bệnh như ung thư hoặc tâm thần phân liệt, mà còn tước đi những thiên tài như Stephen Hawking chẳng hạn.

Thay đổi các gene liên quan, chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm, có thể làm giảm khả năng xuất hiện một Shakespeare hoặc một Einstein mới, vì sự sáng tạo và trí thông minh cao thường gắn liền với các chứng bệnh này.

Được biết, các nhà văn thường bị rối loạn lưỡng cực cao gấp 10 lần so với dân thường nói chung. Còn ở các nhà thơ, nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực tăng gấp 40 lần. Theo James Kozubek, các nhà khoa học có xu hướng coi những rối loạn như vậy là những vấn đề cần phải được giải quyết. Nhưng mục tiêu của tiến hóa không phải là chỉ cốt đạt được điều lý tưởng mà nhằm hướng tới thích ứng với những điều kiện nhất định.


Nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking.

Trong cuốn sách của mình, tiến sĩ James Kozubek viết rằng công nghệ chỉnh sửa gene Crispr-Cas9, hiện đang được thử nghiệm ở Mỹ và Trung Quốc để kiềm chế bệnh ung thư, không hẳn hữu ích như nhiều người tưởng. Sử dụng công nghệ Crispr-Cas9 có thể "ngắt" bất kỳ gene nào. Tuy nhiên, theo James Kozubek, các biến thể gene liên quan đến các bệnh tâm thần, trong điều kiện nhất định, có thể là cần thiết.

Công cụ chỉnh sửa gene gọi là CRISPR (nhóm các đoạn ngắn đối xứng lặp lại thường xuyên – clustered regularly interspaced short palindromic repeats) lần đầu tiên được các chuyên gia của Đại học California ở Berkeley (Mỹ) phát hiện vào năm 2012.

Khi họ nhận ra rằng cơ chế cắt và dán ADN được vi khuẩn sử dụng để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của virus có thể trở thành công cụ chỉnh sửa gene ở người. Thực chất, CRISPR-Cas9 đã mang đến cho loài người thứ quyền lực phi thường. Lần đầu tiên trong lịch sử các nhà khoa học có thể chỉnh sửa, tái cấu trúc, thậm chí xóa bỏ ADN của gần như của mọi loài sinh vật bao gồm cả con người.

CRISPR-Cas9 được giới y sinh xây dựng nhiều dự án áp dụng kỹ thuật này để can thiệp vào cấu tạo gene của các sinh vật. Dự án bao gồm kế hoạch áp chế năng lực mang mầm bệnh ở muỗi do các nhà nghiên cứu ở Mỹ tiến hành. Còn các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại tham vọng can thiệp CRISPR-Cas9 vào gene di truyền của phôi người.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất