Cho rùa hồ Gươm phối giống với rùa Trung Quốc
Do rùa hồ Gươm đã nhiều tuổi, các nhà khoa học đang đề nghị tìm ở sông Hồng, sông Mã loại rùa cùng loài để ghép đôi với rùa ở hồ Đồng Mô. Nếu không tìm được, sẽ cho phối giống với rùa Thượng Hải ở Trung Quốc...
Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, chữa trị vết thương cho rùa hồ Gươm, cần có những nghiên cứu sâu hơn nhằm duy trì nòi giống và bảo tồn quỹ gene của loài rùa quý hiếm vào bậc nhất thế giới…. Đó là đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội nghị tổng kết bảo vệ rùa hồ Gươm do ỦBND TP và Sở KH-CN TP Hà Nội tổ chức mới đây.
Tiếp tục theo dõi sức khỏe rùa
Trước việc nhiều bức ảnh chụp gần đây cho thấy rùa hồ Gươm lại có những vết thương trên mình, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam nêu ý kiến nên có kế hoạch tiếp tục khám và chữa trị cho rùa, kiểm tra lại các vết thương và tìm hiểu nguyên nhân có vết thương mới.
GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam nhấn mạnh, việc khám lại là cần thiết nhưng cũng cần hết sức thận trọng, bởi trong thời gian qua, đội lai dắt đã phải hai lần tổ chức quây bắt mới thành công với một lực lượng đông đảo. Điều đó ít nhiều ảnh hướng đến sức khỏe của rùa. “Theo tôi, không nên thả rùa ra môi trường rộng, mà nên đưa rùa vào khu trú trong một khu vực nhất định để việc theo dõi, thăm khám được thuận tiện”, GS Yên đề xuất.
Rùa hồ Gươm (Ảnh: Như Ý)
Việc công bố tất cả các kết quả nghiên cứu về rùa hồ Gươm dưới dạng tài liệu tham khảo để mọi người cùng biết, cũng được nhiều nhà khoa học tán thành. Theo các nhà khoa học, các tài liệu thu được trong quá trình chữa bệnh cho rùa hồ Gươm tương đối nhiều, thế nhưng chưa có ai tổng hợp viết lại thành tài liệu. Từ việc lai dắt ra làm sao, đánh bắt như thế nào, quá trình chữa bệnh, chăm sóc, lúc thả xuống… tất cả đều phải được ghi chép lại thành tài liệu chuyên khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.
GS Mai Đình Yên nhận định “Rùa hồ Gươm là một loài cực kỳ quý hiếm. Nếu chấp nhận công bố rùa hồ Gươm là loài mới thì đây có thể là cá thể duy nhất, còn nếu theo quan điểm rùa hồ Gươm cùng loài với giải Thượng Hải thì thế giới cũng chỉ còn 4 cá thể nên càng cần phải ghi chép lại”.
Duy trì nòi giống
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc bảo vệ rùa hồ Gươm cũng rất cần thiết phải bảo vệ rùa Đồng Mô. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu về động vật trong nước và quốc tế, rùa hồ Gươm và rùa Đồng Mô cùng loài với nhau. Cho đến nay thế giới cũng chỉ mới ghi nhận còn bốn cá thể rùa hồ Gươm (tên khoa học là Rafetus swinhoei). Trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể, một sống ở hồ Gươm và một sống ở hồ Đồng Mô, hai con còn lại ở Trung Quốc nên việc nhân giống rùa Rafetus swinhoei nói chung, rùa hồ Gươm nói riêng là việc làm cần thiết để bảo tồn loài rùa này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mỗi lần rùa hồ Gươm nổi, thu hút sự quan tâm
rất lớn của người dân (Ảnh: Minh Cường)
Theo giáo sư Đặng Huy Huỳnh cũng như bất kỳ loài nào, duy trì nòi giống là việc nên làm, chưa kể rùa hồ Gươm là rùa quý hiếm, trên thế giới chỉ còn 4 con sống sót. Dù muốn hay không, rùa cũng như bao nhiêu sinh vật khác, một ngày nào đó sẽ chết nên những nghiên cứu về giống loài của rùa tại Việt Nam là cần thiết để duy trì nòi giống loài.
Xung quanh việc tìm hậu huệ cho rùa, nhiều ý kiến đề xuất cho ghép đôi thử rùa đực Đồng Mô với rùa cái hồ Gươm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc ghép đôi này là không khả thi bởi có nhiều trở ngại như chênh lệch về kích thước, rùa hồ Gươm đã nhiều tuổi nên khả năng sinh sản rất kém. Để bảo tồn gene loài rùa quý hiếm trên thế giới, theo ý kiến nhiều nhà khoa học, nên tập trung tìm dọc sông Hồng, sông Mã xem còn cá thể rùa cái nào khác không. Nếu có thì cho ghép đôi với rùa Đồng Mô. “Trong trường hợp không tìm thấy cá thể rùa cái nào khác, chúng tôi ủng hộ cho rùa Đồng Mô giao phối với rùa Thượng Hải. Nếu mọi việc tốt đẹp, thì sau đó sẽ cho tiến hành cho giao phối với cá thể rùa ở hồ Gươm”, GS Yên cho biết.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ giao sở KH-CN Hà Nội xem xét, đề xuất thực hiện ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.