Chó sói đạt kết quả tốt hơn chó nhà trong các bài kiểm tra logic

Một nghiên cứu mới cho hay, chó sói tỏ ra khôn ngoan hơn chó nhà trong các bài kiểm tra về logic, đây là một khác biệt bắt nguồn từ quá trình chó nhà được con người thuần hóa.

Trong thí nghiệm, chó nhà tuân theo các chỉ dẫn của con người để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định cho dù chúng nhận thấy những dấu hiệu về một cách làm khác tốt hơn; trong khi đó, chó sói chọn lựa chiến lược hợp lí hơn dựa trên những quan sát của bản thân chúng.

Trên thực tế, phản ứng của chó nhà cũng giống như các em bé, chúng thường ưu tiên cách thực hiện giống như người lớn đã làm mẫu.

Trong thí nghiệm, một nhà nghiên cứu sẽ đặt một vật thể trong Hộp A và cho phép các đối tượng nghiên cứu tìm kiếm chúng. Khi người thí nghiệm chuyển vật thể sang Hộp B, em bé và chó nhà bị bối rối và tiếp tục tìm kiếm vật nọ trong hộp ban đầu. Trong khi đó, chó sói dễ dàng tuân theo các tín hiệu chỉ dẫn từ mắt và xác định rằng vật thể đang nằm trong hộp B.

Kết quả thí nghiệm giúp các nhà khoa học hiểu hơn về sự tiến hóa của hành vi xã hội, không chỉ ở loài chó mà cả ở con người.

Các nhà khoa học cho rằng, khác biệt giữa hành vi của chó nhà và chó sói phản ánh hai cách học hỏi khác nhau.

“Tôi không nói rằng loài nào thông minh hơn loài nào,” Adam Miklosi đến từ đại học Eötvös, Hungary, đồng tác giả của bài viết trình bày kết quả thí nghiệm trên tờ Science số ra ngày 4 tháng 9, nói. “Nếu bạn đặt tình huống một con vật phải tồn tại mà không có con người bên cạnh, thì chắc chắn chó sói sẽ lợi thế hơn. Nhưng ở trường hợp chó phải tồn tại trong môi trường sống của loài người, nơi mà việc tuân theo các thông tin từ con người là rất quan trọng, thì chó nhà lại tỏ ra thông minh hơn.”

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt giữa chó nhà và chó sói trong thí nghiệm - cả hai đối tượng đều được nuôi nhốt trong cũi – xuất phát từ những đặc điểm gen mới phát sinh trong quá trình hơn 10.000 năm chó nhà được con người thuần hóa. Theo suy đoán của các nhà khoa học, chó sói và chó nhà đã tách ra từ một tổ tiên chung cách đây ít nhất 15.000 năm.

“Kết quả này càng khẳng định cho giả thuyết thuần hóa, bằng cách một lần nữa chỉ ra những khác biệt nổi bật, cũng như những điểm giống nhau nổi bật giữa chó sói và chó nhà – trường hợp này là trong một thí nghiệm mà chó nhà cũng chưa từng có kinh nghiệm,” dẫn lời Michael Tomasello và Juliane Kaminski (cán bộ Viện nghiên cứu Nhân chủng học tiến hóa Max Planck, nước Đức, những người không tham gia vào nghiên cứu) trong một bài viết cùng dòng sự kiện trên tờ Science.

Các thí nghiệm khác đã cho thấy so với chó sói, chó nhà tập trung nhiều hơn vào giọng nói con người và những thay đổi thanh âm nhẹ – đây là một khác biệt nữa bắt nguồn từ quá trình chó nhà được thuần hóa.

Động vật được thuần hóa và các em bé của chúng ta giống nhau ở chỗ ban đầu chúng đều học bằng cách lắng nghe và làm theo những gì người lớn nói chứ không tự đánh giá và ra quyết định trước những tình huống mới.

“Khi trẻ còn nhỏ, chúng sẽ tiếp xúc với một môi trường phức tạp với đầy những tình huống rắc rối,” Miklosi nói. “Trẻ dường như được lập trình sẵn là phải học hỏi từ người lớn, đặc biệt trong trường hợp chúng không hiểu những logic đằng sau tình huống – ví dụ như khi học một ngôn ngữ. Những gì chúng phải làm là tuân theo lời chỉ dẫn của người lớn.”

Trẻ được lập trình để học theo người lớn khi chúng phải qua đường hay trong những tình huống nguy hiểm khác, khi việc tuân theo bản năng và trí tò mò của bản thân chúng không phải là cách khám phá tốt nhất.

Điều tương tự cũng diễn ra với chó nhà, con vật đã được nuôi dạy để tuân thủ chỉ dẫn của con người, ví dụ như chỉ ăn thức ăn con người cho sẵn trong đĩa, không được phép vồ gà ở bên ngoài theo bản năng.

Mặc dù chó sói thí nghiệm đã được nuôi nhốt trong chuồng từ nhỏ, nhưng bố mẹ hoặc ông bà của chúng là những con vật hoang dã sống trong tự nhiên, do đó chúng không phải là những sinh vật đã được thuần hóa với các đặc điểm ăn sâu vào hệ gen qua hàng ngàn thế hệ.

Mục đích chính của nghiên cứu không phải tìm hiểu két quả quá trình thuần hóa chó nhà, mà là sử dụng chó nhà và chó sói như các đối tượng để nghiên cứu xem ở động vật, hành vi xã hội tiến hóa như thế nào, đặc biệt là ở loài người.

“Chúng tôi thấy hành vi của chó nhà và người có những điểm giống nhau,” Miklosi nói. “Chó nhà trở nên giống với người là do chúng phải sống trong môi trường xã hội loài người. Điều này sẽ tiết lộ cho chúng ta biết nhiều điều về quá trình tiến hóa xã hội của con người.”

Với việc nghiên cứu chó nhà học cách thích nghi xã hội loài người như thế nào, các nhà khoa học hi vọng sẽ hiểu được nhiều hơn về cách con người thích nghi với xã hội của chính mình.

Điều thú vị là, chó nhà và trẻ em phản ứng khác nhau với cùng một khía cạnh của thí nghiệm: Khi nhà nghiên cứu trong thí nghiệm được thay bằng một người khác, chó liền quên mất bài học về Hộp A vừa diễn ra và quay sang tuân theo chỉ dẫn từ mắt chúng. Ngược lại, em bé vẫn có cùng phản ứng với những người hướng dẫn khác nhau, tiếp tục tuân theo chỉ dẫn từ người lớn thay vì chỉ dẫn từ đôi mắt.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em được lập trình để tuân theo chỉ dẫn từ tất cả người lớn và biến những chỉ dẫn thành hiểu biết chung về thế giới.

“Trẻ em có ấn tượng rằng nếu chúng học được cách làm việc gì đó từ một người lớn, thì tất cả mọi người sẽ đều hành động theo cách mà chúng được dạy,” Miklosi nói. “Có vẻ như chó không nghĩ như vậy.”

"Đối với chó nhà, dường như mối quan hệ với một con người cụ thể là rất quan trọng, và những gì được dạy sẽ không được áp dụng phổ biến cho tất cả các tình huống.”

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất