Choáng váng với hóa thạch quái vật biển có cổ dài tới 3m

Các nhà nghiên cứu phát hiện một loài bò sát cổ đại với chiếc cổ dài gấp 3 lần cơ thể và hàm răng nhọn hoắt giúp phục kích con mồi.

Hóa thạch mang tên Tanystropheus được mô tả lần đầu tiên năm 1852 và gây bối rối cho các nhà khoa học kể từ đó. Có thời điểm, các nhà cổ sinh vật học cho rằng đó là thằn lằn có cánh giống như loài pterodactyl, và những chiếc xương dài rỗng của nó là các đốt ở ngón đầu cánh. Sau đó, họ nhận ra thực chất đó là phần xương cổ kéo dài. Tanystropheus là loài bò sát dài 6m với chiếc cổ dài 3m, gấp 3 lần thân của nó.


Phục dựng hình dáng của Tanystropheus. (Ảnh: CNN).

Trước đây, giới nghiên cứu vẫn chưa rõ con vật sống trên cạn hay dưới nước, và họ không biết mẫu vật nhỏ hơn là Tanystropheus chưa trưởng thành hay thuộc về một loài hoàn toàn khác. Thông qua chụp cắt lớp các hộp sọ hóa thạch bị nghiến vỡ và lắp ráp lại trên đồ họa kỹ thuật số, nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng Tanystropheus sống dưới nước. Khi kiểm tra vòng sinh trưởng ở xương, họ nhận định mẫu vật lớn và nhỏ là của hai loài riêng biệt sống gần nhau nhưng không cạnh tranh thức ăn bởi chúng săn con mồi khác nhau. Kết quả nghiên cứu được Olivier Rieppel, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Field, Chicago, và đồng nghiệp công bố chi tiết trên tạp chí Current Biology hôm 6/8.

Tanystropheus sinh sống cách đây 242 triệu năm, vào giữa kỷ Tam Điệp. Theo Rieppel, Tanystropheus trông như một con cá sấu mập lùn với chiếc cổ siêu dài. Mẫu vật lớn hơn dài 6 m với phần cổ 3 m, tuy nhiên, con vật chỉ có 13 đốt sống cổ. Phần cổ của nó không quá linh hoạt, được đỡ bởi những chiếc xương gọi là xương sườn cổ. Ở Thụy Sĩ, nơi nhiều hóa thạch Tanystropheus lớn được khai quật, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy hóa thạch động vật hình dáng tương tự như chỉ dài khoảng một mét. Họ không biết chắc Tanystropheus sống trên cạn hay dưới biển và liệu mẫu vật nhỏ là con non chưa trưởng thành hay thuộc loài khác.

Để lý giải hai bí ẩn, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ mới để xem xét chi tiết hóa thạch xương. Hộp sọ của hóa thạch Tanystropheus bị vỡ, nhưng Stephan Spiekman, nhà khoa học ở Đại học Zurich kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, có thể chụp cắt lớp các phiến hóa thạch và tạo ra hình ảnh 3D của những mảnh xương bên trong. "Sức mạnh của công nghệ chụp cắt lớp cho phép chúng tôi xem xét chi tiết không thể quan sát ở hóa thạch", Spiekman cho biết. "Từ một hộp sọ bị vỡ nát, chúng tôi có thể phục dựng hộp sọ 3D gần như nguyên vẹn, hé lộ chi tiết hình thái quan trọng".

Hộp sọ hóa thạch có nhiều đặc điểm quan trọng, bao gồm lỗ mũi ở đỉnh mõm giống cá sấu, chứng tỏ Tanystropheus sống dưới nước. Nó có thể nằm phục kích, chờ cá và mực bơi ngang qua, sau đó ngoạm chúng bằng hàm răng dài nhọn hoắt. Loài vật này có thể bò lên bờ đẻ trứng nhưng sống chủ yếu ở biển.

Để tìm hiểu mẫu vật nhỏ là cá thể chưa trưởng thành hay loài riêng biệt, nhóm nghiên cứu kiểm tra dấu hiệu sinh trưởng và độ tuổi trên xương. Họ nhận thấy hóa thạch nhỏ hơn thuộc về một con vật trưởng thành, hé lộ có hai loài Tanystropheus. Họ đặt tên cho loài lớn hơn là Tanystropheus hydroides theo quái vật cổ dài trong thần thoại Hy Lạp. Loài nhỏ hơn được gọi là Tanystropheus longobardicus.

Khác biệt ở kích thước và hình dáng răng giữa hai loài Tanystropheus chỉ ra có thể chúng không cạnh tranh con mồi. Theo Spiekman, hai loài có họ hàng gần tiến hóa để sử dụng các nguồn thức ăn khác nhau trong cùng môi trường sống. Loài nhỏ nhiều khả năng ăn động vật có vỏ như tôm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất