Chữa tiêu chảy cách mới, không cần bù nước
Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một hợp chất có khả năng điều trị bệnh tiêu chảy một cách trực tiếp, ít tốn kém và dễ thực hiện, nhằm góp phần làm giảm tỉ lệ trẻ em tử vong do tiêu chảy cấp tại các nước đang phát triển.
TS-BS Ferid Murad (thuộc Trung tâm Khoa học sức khỏe, ĐH Texas, đoạt giải Nobel Y học năm 1998) vừa công bố kết quả nghiên cứu có tên “Chất dẫn xuất từ Pyridopyrimidine ức chế sự tổng hợp nucleotide tuần hoàn: Ứng dụng trong điều trị tiêu chảy”.
Theo nghiên cứu này, chất dẫn xuất từ Pyridopyrimidine có khả năng ngăn chặn hữu hiệu tình trạng cơ thể mất nước khi mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn Vibrio cholerae và một số dòng vi khuẩn E. coli gây ra.
Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, hợp chất này đã làm giảm đáng kể sự tiết dịch lỏng ở ruột động vật và người, mà không gây bất cứ độc hại nào cho cơ thể. Cụ thể, hợp chất này làm giảm sự tạo thành các phân tử truyền thông tin trong các tế bào biểu mô của ruột (khiến quá trình tiết muối và dịch lỏng trong ruột bị gián đoạn), từ đó ngăn chặn hoặc làm giảm sự mất nước của cơ thể.
Theo TS. Murad, hợp chất này có thể được đưa vào cơ thể dưới dạng thuốc viên dùng cho người lớn và thuốc nước cho trẻ em.
Ông Murad cho biết: “Ở bệnh nhân bị tiêu chảy, độc tố của vi khuẩn sẽ kích thích niêm mạc ruột, làm ruột tiết ra chất lỏng quá mức bình thường, khiến bệnh nhân bị mất nước và chất điện giải nghiêm trọng, dẫn đến sốc và có thể tử vong”. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng: “Một phân tử độc tố có khả năng tạo ra hàng triệu phân tử nước”.
Từ trước đến nay, việc điều trị tiêu chảy được thực hiện một cách gián tiếp bằng cách truyền dịch tĩnh mạch hoặc bù nước qua đường miệng (oral rehydration), tức là bồi hoàn nước cho cơ thể, chứ không ngăn sự tiết ra dịch lỏng và muối trong ruột. Vì thế, theo TS. Murad, “nghiên cứu này rất có triển vọng trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tiêu chảy một cách trực tiếp”.
Giáo sư y khoa Stanley G. Schultz (ĐH Texas) phát biểu: “Một loại thuốc mới, có tác dụng ngăn chặn tình trạng mất nước và muối của cơ thể, với các phản ứng phụ ở mức thấp nhất, sẽ là “thần dược” cứu hàng triệu người (nhất là trẻ em) ở các nước đang phát triển, đồng thời tiết kiệm hàng tỷ USD mà thế giới phải tốn kém vì bệnh tiêu chảy”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có 1,6 - 2,5 triệu trẻ em tử vong vì bệnh tiêu chảy.
Kết quả nghiên cứu của TS. Murad và các cộng sự vừa được công bố trên tập san Proceedings của Học viện Khoa học Hoa Kỳ ngày 16/6. Nghiên cứu này được Viện Y tế quốc gia và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ.