Chuẩn bị lắp đặt kính viễn vọng lớn nhất thế giới
Thirty Meter, dự án hợp tác giữa Mỹ, Canada, Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ cho ra đời kính thiên văn lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành vào năm 2018.
>>> Kính viễn vọng vũ trụ lớn nhất đi vào hoạt động
Thirty Meter sẽ được đặt trên đỉnh núi Mauna Kea ở Hawaii. Gương chính của Thirty Meter dài gần 30m, cho phép tập hợp ánh sáng gấp 9 lần kính thiên văn quang học lớn nhất hiện nay. Hình ảnh do Thirty Meter cung cấp do đó cũng nét gấp 3 lần.
Thiết kế của kính viễn vọng Thirty Meter
Với chiếc kính viễn vọng khổng lồ này, các nhà khoa học có thể quan sát những hành tinh và ngôi sao mới hình thành, những vật thể cách xa Trái đất 13 tỷ năm ánh sáng hay tìm hiểu nguồn gốc của các hành tinh ngoài hệ Mặt trời, các lỗ đen, vật chất tối và năng lượng tối.
Dự án liên quốc gia dự tính sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Trong đó Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp ít nhất 20% chi phí, chủ yếu là thiết bị. Đây là chiếc kính thiên văn tiên tiến đầu tiên mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là đối tác.
“Thirty Meter là một bước tiến nhảy vọt trong công nghệ lượng tử của Trung Quốc”, ông Shude Mao, GS thiên văn học tại Đài quan sát Thiên Văn Trung Quốc, nói.
“Dự án là bước tiến vô cùng lớn trong ngành khoa học thiên văn Ấn Độ. Từ việc chỉ tạo ra loại gương 4m, nay chúng tôi đang tham gia dự án lắp đặt gương kính thiên văn có đường kính lớn gấp gần 8 lần. Điều này chắc chắn sẽ đưa khoa học thiên văn của Ấn Độ lên một tầm cao mới”, GS G.C. Anupama làm việc tại Viện Vật lý Thiên văn Ấn Độ phát biểu.
Tuy nhiên, Thirty Meter không phải là kính viễn vọng lớn nhất. Châu Âu sẽ hoàn thành chiếc kính thiên văn lớn hơn, gương của chiếc kính này sẽ có đường kính 42m.