Chùm ảnh minh chứng sự khó khăn trong việc kiểm soát virus Ebola

Các chuyên gia y tế hiện vẫn đang nỗ lực hết sức để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh Ebola này.

Dịch bệnh Ebola hiện vẫn đang hoành hành dữ dội ở Tây Phi. Đây được coi là một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã có hơn 2.240 trường hợp mắc bệnh và hơn 1.229 người đã tử vong ở bốn quốc gia Sierra Leone, Liberia, Guinea, Nigeria.

WHO nhận định, virus Ebola mang tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có triệu chứng như sốt đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau nhức cơ, đau cổ họng, sau đó liên tục ói mửa, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận và đặc biệt là chảy máu trong - ngoài.

Cơ chế lây truyền của virus Ebola là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thông qua dịch tiết. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn cho các nhân viên y tế trong việc cố gắng kiểm soát căn bệnh này bởi người thân của bệnh nhân vẫn muốn được ở gần bên thi thể.

Không những thế, virus Ebola thậm chí còn trở nên đáng sợ hơn khi các chuyên gia tìm thấy trong tinh dịch của một người đàn ông khỏi bệnh 7 tuần. Dù khó khăn và vô cùng nguy hiểm nhưng các nhân viên y tế vẫn luôn cố gắng đi vào tâm dịch để có thể ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cũng như cứu giúp người bệnh.

Khi nhận được thông tin về người bệnh, các chuyên gia y tế đã ngay lập tức tiếp cận bệnh nhân để khống chế cũng như giúp người bệnh hiểu hơn về cách phòng tránh lây nhiễm cho người xung quanh.


Hình ảnh một nhân viên y tế của trạm y tế Liberia đang xịt chất khử trùng lên cơ thể của một phụ nữ bị nghi chết do nhiễm virus Ebola tại Monrovia. (Ảnh: John Moore - AFP)


Hình ảnh một y tá rời khỏi phòng cách ly sau khi kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện huyện ở Biankouma. Để đối phó với dịch bệnh, các chuyên gia y tế thuộc Bộ Y tế Bờ Biển Ngà đã tổ chức nhiều lớp học đào tạo cán bộ y tế để điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm với Ebola. (Ảnh: AFP)


Các chuyên gia thuộc tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders) - tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ cung cấp gói cứu trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, nạn đói hay chiến tranh... đang tiến hành khử trùng một chiếc quan tài để chuẩn bị an táng cho một nạn nhân nhiễm Ebola ở vùng Kailahun. (Ảnh: Carl De Souza - AFP)

Dịch bệnh lan nhanh nên chính quyền Liberia đã đóng cửa một trường học và sử dụng địa điểm này là nơi để các chuyên gia tiến hành cách ly bệnh nhân nghi nhiễm Ebola.


Hình ảnh một người đàn ông nằm trơ trọi trong trung tâm cách ly nghi nhiễm Ebola tại Monrovia, Liberia. (Ảnh: John Moore - AFP)

Một cán bộ y tế tham gia vào tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới trong trang phục bảo hộ đang tiến hành tiêu hủy toàn số vật dụng của bệnh nhân nhiễm Ebola ở Kailahun, Sierra Leone. Việc làm này vô cùng quan trọng bởi con đường lây nhiễm virus Ebola chủ yếu là qua dịch cơ thể, gồm máu và mồ hôi.


Theo thống kê sơ bộ, Kailahun cùng với Kenama là hai vùng tâm chấn của dịch Ebola - nơi đang diễn ra dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới. (Ảnh: AFP)

Thời tiết nóng nực cùng nền nhiệt độ cao khiến cho không ít các y, bác sĩ cảm thấy ngột ngạt, khó làm việc liên tục hơn một giờ đồng hồ trong các bộ đồ bảo hộ kín bưng với ủng, găng tay, mặt nạ, bộ quần áo dày.


Những thiết bị trang phục của bác sĩ sau khi sử dụng sẽ được giặt sạch, sấy khô trong phòng điều trị bệnh viện trước khi tái sử dụng. Hoặc không, những vật dụng đó cũng được phơi khô dưới ánh nắng Mặt trời. (Ảnh: Zoom Dosso/AFP)

Cùng với việc tẩy trùng và nhắc nhở người dân liên tục về việc bảo vệ mình, tránh lây nhiễm virus, chính quyền địa phương cũng hủy bỏ tất cả các sự kiện xã hội, nơi giải trí, câu lạc bộ thể thao bị đóng cửa...


Người nghi ngờ nhiễm virus Ebola sẽ được gửi tới các trung tâm theo dõi bệnh tình để có hướng điều trị sớm nhất. Hình ảnh đứa bé được đưa tới trung tâm cách ly Ebola tại Monrovia, Liberia. (Ảnh: John Moore - AFP)

Cùng với chuyên gia y tế, một đội chuyên trách chôn cất các thi thể nhiễm bệnh sẽ tiếp cận ngay nhà của bệnh nhân sau khi nhận được tin báo. Công việc của họ hết sức nguy hiểm nhưng cần thiết bởi nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh đã mất vô cùng cao.

Do người dân địa phương thường có phong tục tắm cho người đã khuất nên họ không muốn có sự xuất hiện của những nhân viên này. Điều này vô tình đã nhân rộng "bản án tử hình" sang những người thân trong gia đình.


Hình ảnh một nhóm chôn cất thi thể đang di chuyển tới và đưa nạn nhân của virus Ebola đi chôn cất tại Monrovia. (Ảnh: John Moore - AFP)


Trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nhóm chôn cất đã cùng nhau cầu nguyện mong linh hồn của người đã khuất sớm được an nghỉ. (Ảnh: John Moore - AFP)

Đến nay, bệnh dịch Ebola vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng chưa có vaccine phòng ngừa. WHO đã cho phép sử dụng các loại thuốc thử nghiệm chống Ebola chưa qua kiểm tra lâm sàng để xử lý ổ dịch ở Tây Phi. Những đợt tiến hành điều trị thuốc đầu tiên loại thuốc Zmapp cũng được tiến hành ở Liberia.


Trước đó, hai chuyên gia y tế người Mỹ đã sử dụng loại thuốc này và đang có dấu hiệu phục hồi. Hình ảnh khu chăm sóc bệnh nhân tại Biankouma, Bờ Biển Ngà. (Ảnh: Issouf Sanogo - AFP)

Đối với người dân nơi đây, nhiễm virus Ebola đồng nghĩa với việc "cái chết đã được báo trước" và hi vọng có thể cứu vãn sự sống rất mong manh. Tuy vậy, các y bác sĩ vẫn luôn nỗ lực để ngăn chặn đại dịch đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng trên khắp châu Phi.


Hình ảnh các chuyên gia y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm bệnh trong khu vực Guekedou, Guinea. (Ảnh: Seyllou - AFP)


Những công nhân xây dựng tại Monrovia, Liberia đã dựng lên một chiếc lều lớn để giúp các chuyên gia y tế thuận lợi hơn trong việc điều trị bệnh. Liberia là một trong những nước ảnh hưởng nặng nhất bởi virus chết người Ebola này. (Ảnh: Zoom Dosso - AFP)


Ngoài việc khử trùng thi thể nạn nhân và đồ dùng bị nhiễm virus, các nhân viên y tế cũng tiến hành làm sạch phần không gian bên ngoài bệnh viện ở thủ đô Monrovia của Liberia. (Ảnh: Zoom Dosso - AFP)

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất