Chứng sợ ánh sáng là gì?
Chứng sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng) là tình trạng ánh sáng mạnh làm tổn thương mắt hoặc gây kích ứng, có thể liên quan bệnh lý ở não hoặc mắt.
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân phải nheo mắt nếu trong phòng có ánh sáng mạnh hoặc khi ở ngoài trời. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân đau đáng kể khi mắt tiếp xúc với hầu hết loại ánh sáng.
Nguyên nhân
Đau nửa đầu
Nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng phổ biến của chứng đau nửa đầu. Người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội có thể do một số yếu tố gây ra, gồm thay đổi nội tiết tố, thực phẩm, căng thẳng và thay đổi môi trường. Các triệu chứng khác gồm đau nhói ở một bên đầu, buồn nôn và nôn.
Theo Viện Đột quỵ và Rối loạn Thần kinh Mỹ, khoảng 10% dân số thế giới mắc chứng đau nửa đầu và xảy ra thường xuyên ở phụ nữ hơn nam giới.
Nhạy cảm với ánh sáng là triệu chứng phổ biến của chứng đau nửa đầu
Các tình trạng ảnh hưởng đến não
Nhạy cảm với ánh sáng cũng thường liên quan đến một số tình trạng nghiêm trọng ở não như:
- Viêm não do não bị nhiễm virus hoặc nguyên nhân khác. Trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
- Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm màng bao quanh não và tủy sống. Dạng vi khuẩn này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương não, mất thính lực, co giật và thậm chí tử vong.
- Xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu giữa não và các lớp mô xung quanh. Tình trạng này có thể gây tử vong hoặc dẫn tới tổn thương não hoặc đột quỵ.
Các tình trạng ảnh hưởng đến mắt
- Trầy xước giác mạc là chấn thương ở giác mạc, lớp ngoài cùng của mắt. Loại chấn thương này khá phổ biến và có thể xảy ra nếu bị cát, bụi bẩn, hạt kim loại hoặc các chất khác tác động vào mắt. Trầy xước có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng gọi là loét giác mạc nếu giác mạc bị nhiễm trùng.
- Viêm củng mạcxảy ra khi phần trắng của mắt bị viêm. Khoảng nửa số trường hợp là do các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, như bệnh lupus. Các triệu chứng khác bao gồm đau mắt, chảy nước mắt và mờ mắt.
- Viêm kết mạc,còn được gọi là "đau mắt đỏ", xảy ra khi lớp mô bao phủ phần trắng của mắt bị nhiễm trùng hoặc viêm. Bệnh chủ yếu do virus gây ra, nhưng cũng có thể do vi khuẩn và dị ứng. Các triệu chứng khác bao gồm ngứa, đỏ và đau mắt.
- Hội chứng khô mắtxảy ra khi tuyến lệ không thể sản xuất đủ nước mắt hoặc sản xuất nước mắt kém chất lượng, khiến mắt bị khô quá mức. Nguyên nhân bao gồm tuổi tác, yếu tố môi trường, một số tình trạng bệnh lý và một số loại thuốc.
Điều trị
Người bệnh nên tránh xa ánh sáng mặt trời và giữ đèn trong nhà ở mức vừa phải. Nhắm mắt hoặc đeo kính râm tối màu cũng có thể giúp giảm đau mắt.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị nhạy cảm với ánh sáng nghiêm trọng. Phương pháp điều trị tùy vào nguyên nhân cơ bản, như dùng thuốc và nghỉ ngơi cho chứng đau nửa đầu, dùng thuốc nhỏ mắt giảm viêm cho chứng viêm củng mạc, dùng kháng sinh cho chứng viêm kết mạc. Bác sĩ có thể kê nước mắt nhân tạo trị hội chứng khô mắt nhẹ, thuốc nhỏ mắt kháng sinh cho vết trầy xước giác mạc, thuốc chống viêm, nghỉ ngơi tại giường và truyền dịch cho các trường hợp viêm não nhẹ. Các trường hợp nặng cần được chăm sóc hỗ trợ, như hỗ trợ hô hấp.
Trường hợp xuất huyết dưới nhện có thể cần phẫu thuật để loại bỏ lượng máu dư thừa và giảm áp lực lên não.
Một số tình trạng gây sợ ánh sáng được coi là trường hợp cấp cứu y tế. Nếu người bệnh có triệu chứng đau mắt khi gặp ánh sáng mạnh và các triệu chứng sau đây, cần đến cơ sở y tế nhanh chóng: mờ mắt
đau hoặc nóng rát ở mắt, đau đầu dữ dội, sốt, ớn lạnh, khó đánh thức, lú lẫn, cổ cứng, buồn nôn và nôn, giảm nhận thức, tê liệt ở một số bộ phận trên cơ thể.
Phòng ngừa
Một số biện pháp nhất định giúp ngăn ngừa các tình trạng có thể gây ra chứng sợ ánh sáng, bao gồm:
- Tránh các tác nhân gây ra đau nửa đầu.
- Phòng ngừa viêm kết mạc bằng cách thực hành vệ sinh tốt, không chạm vào mắt và không dùng chung đồ trang điểm mắt.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não bằng cách tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh, rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine phòng ngừa viêm màng não do vi khuẩn.
- Tiêm vaccine phòng ngừa viêm não.
Không có trong bước sóng ánh sáng, vậy màu hồng từ đâu xuất hiện?
Sắc tố khiến một số người mắc chứng sợ ánh sáng