Chuối tiêu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn
Giống cây dại được cho là cứu tinh của chuối tiêu đang nằm trong danh sách loài nguy cấp với 5 cây còn sót lại trong tự nhiên.
Một loài chuối dại mọc ở Madagascar đang có nguy cơ tuyệt chủng do chỉ còn 5 cây trưởng thành trong tự nhiên. Các nhà khoa học đang kêu gọi bảo tồn loài chuối này bởi nó có thể nắm giữ bí quyết chống lại dịch bệnh giúp cây chuối khỏi biến mất trong tương lai, BBC hôm qua đưa tin.
Chuối Madagascar có khả năng kháng hạn hán và dịch bệnh tốt. (Ảnh: BBC).
Phần lớn chuối tiêu thụ trên thế giới là chuối Cavendish hay chuối tiêu, rất dễ tổn thương trước sâu bệnh. Giới nghiên cứu đang gấp rút phát triển những giống chuối mới vừa ngon miệng vừa có sức đề kháng tốt đối với bệnh héo rũ Panama. Chuối Madagascar (Ensete perrieri) tiến hóa đơn độc trên hòn đảo cách xa đất liền và có nhiều đặc tính đặc biệt.
Richard Allen, cố vấn bảo tồn cấp cao ở Vườn bách thảo hoàng gia Kew ở London, Anh, cho biết chuối Madagascar có sức chống chịu đối với hạn hán hoặc dịch bệnh. "Loài chuối này không mắc bệnh Panama, do đó có thể sở hữu đặc điểm di truyền giúp kháng bệnh. Chúng tôi không thể biết rõ trước khi tiến hành nghiên cứu, nhưng chúng tôi sẽ không thể nghiên cứu nếu cây chuối không được giải cứu", Allen cho biết.
Nhóm nghiên cứu từ vườn bách thảo tìm kiếm cây chuối ở Madagascar và phát hiện nó gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Họ hy vọng thêm chuối Madagascar vào Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế sẽ giúp thu hút sự chú ý đối với tình trạng của loài chuối này. "Việc bảo tồn chuối dại rất quan trọng bởi nó có hạt giống lớn, cung cấp cơ hội tìm ra gene cải tiến chuối trồng", tiến sĩ Hélène Ralimanana ở Trung tâm Bảo tồn Madagascar Kew nhấn mạnh.
Cây chuối sinh sản theo phương pháp vô tính. Cây con mọc từ một bộ phận của cây mẹ. Do đó, nếu một cây mắc bệnh, bệnh dịch sẽ nhanh chóng lan khắp quần thể. Bệnh Panama gây hại cho chuối tiêu hiện nay chỉ hoành hành ở châu Á, nhưng nếu lan tới châu Mỹ, nó có thể xóa sổ cây chuối trên toàn thế giới. Điều này từng xảy ra với giống chuối Gros Michel vào những năm 1950.