Chuyên gia tế bào gốc của Nhật tự tử vì bị nghi đạo ý tưởng

Nhà khoa học tế bào gốc của Nhật Bản hôm qua được phát hiện treo cổ tự tử, sau nhiều tháng kiệt sức và căng thẳng được cho là liên quan đến nghiên cứu bị nghi làm giả dữ liệu và ăn cắp ý tưởng.

Yoshiki Sasai, 52 tuổi, được cảnh sát phát hiện trong tư thế bị treo cổ tại Trung tâm Sinh học Phát triển Riken tại Kobe, phía đông Nhật Bản. Người phát ngôn của cảnh sát địa phương xác nhận đây là một vụ tự tử. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy 5 lá thư tuyệt mệnh mà ông để lại. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.


Chuyên gia tế bào gốc của Nhật Bản Yoshiki Sasai. (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, Sasai từng được đưa vào bệnh viện hồi tháng ba năm nay vì căng thẳng và ít tiếp cận với giới truyền thông trong thời gian nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp gây nhiều tranh cãi. Người phát ngôn của nhà khoa học Satoru Kagaya cho biết ông dường như "hoàn toàn kiệt sức" trong cuộc trò chuyện qua điện thoại lần cuối cùng khoảng tháng 5 hoặc tháng 6.

Với tư cách là phó giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển Riken, Sasai là người giám sát công trình nghiên cứu của Haruko Obokata, từng gây tiếng vang khi được công bố trên tạp chí Nature của Anh hồi tháng một. Tuy nhiên, nghiên cứu bị rút lại sau đó vì nghi vấn làm giả dữ liệu và ăn cắp ý tưởng.

Ủy ban điều tra của Riken cho rằng Sasai là người chịu trách nhiệm chính vì không xác nhận dữ liệu trong nghiên cứu và vấn đề đạo đức của Obokata. Sự kiện này từng xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo ở Nhật Bản và ảnh hưởng đến uy tín về nghiên cứu khoa học của đất nước này.

Yoshiki Sasai là một trong những nhà nghiên cứu và chuyên gia về tế bào gốc hàng đầu Nhật Bản, với nhiều công trình nghiên cứu được hy vọng có thể thay thế tế bào bị hư hại và thậm chí phát triển các cơ quan của cơ thể người. Ông là người có đóng góp lớn trong lĩnh vực sinh học phát triển, một nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới.

Tế bào gốc là tế bào mầm hay tế bào nền móng mà từ đó các loại tế bào khác của con người được tạo ra. Nghiên cứu tế bào gốc có thể ứng dụng trong điều trị bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh khác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất