Chuyện người lai thú
Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp “quái nhân” mà bố là người còn mẹ là…
Thận trọng, thận trọng hơn, thận trọng nữa
Khi một nghiên cứu mà không dự kiến được trước những gì sẽ xảy ra thì hậu quả vô cùng tai hại mà các nhà khoa học thường nhắc nhở nhau bằng câu chuyện gọi là “hiện tượng Frankenstein”. Đó là cuốn tiểu thuyết của Mary Shelley kể về một anh sinh viên y khoa đã ghép các phần thân thể của những người chết, làm hồi sinh một con người mới dưới hình hài một con quỷ (do bị thiếu các “phụ tùng”). Bị mọi người lẩn trốn, hắt hủi và xua đuổi vì sự dị dạng của mình, nó nổi điên phá phách, gieo hàng loạt tai họa và quay lại trả thù người đã tạo ra mình.
“Hiện tượng Frankenstein” – lời cảnh báo cho những người thích phiêu lưu mạo hiểm trong khoa học nhưng lại không lường hết hậu quả việc làm của mình.
Những công trình nghiên cứu về HAH rất “xứng đáng” nhận được lời cảnh báo này. Chính vì thế, khi nghe nói Fred Gage đã làm ra được một đội ngũ các chú chuột có não người, Tổng thống Mỹ hồi đó là George Bush đã sửng sốt, phải thốt lên rằng không hiểu sao một người như Fred lại dám làm điều lạ lùng đến như vậy, vượt qua giới hạn đạo đức cần được tôn trọng cho dù ngành sinh học phát triển đến đâu chăng nữa. Vì lẽ trên ông đã lập tức yêu cầu Quốc hội phê chuẩn đạo luật cấm nghiên cứu những điều tương tự để tạo ra sản phẩm HAH với lý do cuộc sống của con người là quà tặng của Thượng đế, không một ai được phép đùa giỡn. Việc tạo ra những con vật lai tạo giữa người và thú là hạ thấp phẩm giá của người.
Việc nghiên cứu HAH đã tạo nên những cuộc tranh cãi rộng lớn trên khắp thế giới. Người ta nêu ra rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Liệu thế giới những HAH có sẽ là những đối thủ khôn ngoan và đầy sức mạnh tiêu diệt loài người.
Khỏi nói đâu xa, hãy hình dung: một con chuột nhỏ bé và nhanh nhẹn mang một bộ não người, tinh khôn như người lọt ra ngoài thì giời ơi! Chẳng biết hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào!
Một quái vật người-thú ra đời, sẽ kéo theo biết bao hệ lụy?
Rồi đáng sợ hơn nữa là kịch bản này: sau khi tiêm các tế bào gốc của người vào một gã chuột đực, các tế bào ấy hoàn toàn có thể “lạc” tới tinh hoàn của gã để sinh ra tinh trùng người. Rồi gã chuột đực này lại được bố trí cho gặp một ả chuột cái cũng mang trứng người theo cách tương tự. Chúng lẹo tẹo với nhau. Cái phôi tạo thành được một nhà khoa học điên rồ nào đấy lấy ra, cấy vào tử cung một phụ nữ… Ít lâu sau, một đứa bé ra đời, hình người thì chắc chắn, trí khôn của người hay chuột thì chưa biết, có bố mẹ thực là… chuột. Nghe mà rùng mình!
Kịch bản khủng khiếp ấy không phải người viết bài này nghĩ ra mà một nhà sinh học, tác giả quyển sách nổi tiếng, Thế kỷ công nghệ sinh học (The biotech century), đăng trên báo Guardian (Anh).
Thường những phát minh lớn nào cũng có mặt trái của nó. Người điều tiết chính là Chính phủ thông qua Luật pháp. Có những nước Luật về nghiên cứu các vấn đề của sinh học khá cởi mở, có những nước khắt khe. Vấn đề lúc này còn tùy thuộc vào cả những cân nhắc đánh giá của bản thân các nhà khoa học.
Đạo đức sinh học, môn khoa học mới ra đời cũng vì lý do này.