Chuyện "yêu" của tổ tiên chúng ta với người tuyệt chủng

Những lần giao phối cuối cùng giữa người Neanderthal đã tuyệt chủng với người hiện đại diễn ra cách đây từ 47.000 tới 65.000 năm.

Rất có thể hoạt động giao phối giữa tổ tiên người hiện đại và người Neanderthal đã giúp người ngày nay có hệ miễn dịch mạnh mẽ.


Hình minh họa một người Neanderthal. Rất có thể hoạt động giao phối giữa tổ tiên
người hiện đại và người Neanderthal đã giúp người ngày nay có hệ miễn dịch mạnh mẽ. 

Người hiện đại từng chung sống cùng với nhiều chủng người khác, bao gồm người Neanderthal trên trái đất. Giới nhân chủng học khẳng định Neanderthal có quan hệ gần gũi nhất với con người. Họ từng tồn tại khoảng 30.000 năm trước khi người hiện đại xuất hiện khoảng 200.000 năm trước. Người Neanderthal tuyệt chủng cách đây khoảng 30.000 năm.

Sau khi phân tích DNA của người châu Âu và người Neanderthal, Sriram Sankararaman, một nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp nhận thấy người hiện đại và người Neanderthal từng thực hiện những cuộc giao phối lần cuối từ 47.000 tới 65.000 năm trước. Đây là khoảng thời gian mà tổ tiên của chúng ta rời châu Phi, cái nôi của người hiện đại, để tới những lục địa khác, Livescience đưa tin.

“Trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn quá trình thích nghi của tổ tiên chúng ta khi họ tới những vùng đất mới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khả năng to lớn của di truyền học trong việc nghiên cứu các sự kiện lịch sử”, Sankararaman phát biểu.

Năm 2010, các nhà khoa học đã hoàn thành việc lập bản đồ gene của người Neanderthal từ DNA mà họ lấy từ các xương hóa thạch. Bản đồ gene cho thấy tổ tiên của người hiện đại từng giao phối với người Neanderthal. Nhiều nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng gene của người Neanderthal chiếm từ 1 tới 4% tổng số gene trong DNA của người. Rất có thể hiện tượng giao phối chéo đã giúp người hiện đại ngày nay thừa hưởng hệ miễn dịch mạnh mẽ của người Neanderthal.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất