Có bao nhiêu người từng đi bộ trên Mặt trăng?

Dù tốn kém và chứa đầy rủi ro, chương trình Apollo là một thành công khổng lồ của NASA khi đưa tổng cộng 12 phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng.

Dù nhiều người từng bay vào không gian, rất ít người từng đặt chân lên Mặt trăng. Vệ tinh tự nhiên của Trái đất nằm ở khoảng cách 370.000 km, tương đối ngắn về mặt vũ trụ. Hai người đầu tiên đi trên Mặt trăng là Neil Armstrong và Buzz Aldrin vào ngày 20/7/1969 trong nhiệm vụ Apollo 11. Tiếp bước họ, 10 phi hành gia khác đã di chuyển trên bề mặt Mặt trăng trong những nhiệm vụ khác nhau thuộc chương trình Apollo, theo IFL Science.

Apollo 12

Chỉ 4 tháng sau Apollo 11, nhiệm vụ tiếp theo hạ cánh trên Mặt trăng ở vùng Oceanus Procellarum (Ocean of Storms). Charles "Pete" Conrad và Alan Bean tiếp đất trên bề mặt Mặt trăng vào ngày 19/11/1969. Nhiệm vụ hạ cánh trong phạm vi di chuyển của tàu vũ trụ tự động Surveyor 3. Conrad và Bean đã đưa các bộ phận của Surveyor 3 trở lại Trái đất. Apollo 12 cũng là nhiệm vụ đầu tiên sử dụng võng trên thiên thể khác bởi hai phi hành gia muốn ngủ thoải mái hơn.


Những phi hành gia đã hạ cánh thành công và đi bộ trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

Apollo 14

Nhiệm vụ Apollo 13 gặp trục trặc nghiêm trọng trên đường đến Mặt trăng và buộc phải hoãn hạ cánh. Lần thứ 3 con người đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất rơi vào ngày 5/2/1971. Alan Shepard (người Mỹ đầu tiên bay vào không gian) và Edgar Mitchell trở thành người thứ 5 và 6 đi trên Mặt trăng. Tàu Apollo 14 cũng gặp một số trục trặc nhưng không có gì quá nghiêm trọng. Sự kiện nổi tiếng nhất trong nhiệm vụ là Shepard đánh hai quả bóng golf. Ông cũng là người lớn tuổi nhất đặt chân lên Mặt trăng (47 tuổi).

Apollo 15

David Scott và James Irwin hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 20/7/1971. NASA muốn cắt giảm ngân sách, vì vậy có nhiều thay đổi với nhiệm vụ để tận dụng tối đa tài nguyên, bao gồm lần đầu sử dụng Phương tiện tự hành Mặt trăng, cỗ xe đầu tiên mà con người lái ngoài Trái đất. Scott thực hiện thí nghiệm Galileo nổi tiếng chứng minh các vật thể rơi xuống mặt đất với cùng gia tốc bất kể khối lượng. Ông làm vậy bằng cách thả rơi một chiếc lông và một chiếc búa.

Nhiệm vụ cũng ghi hình Alfred Worden, người không hạ cánh trên Mặt trăng nhưng thực hiện hoạt động ngoài phương tiện (EVA) nhằm thu thập băng ghi hình từ hai camera lập bản đồ Mặt trăng bên ngoài module khi module ở cách Trái đất 321.869 km. Nhiệm vụ này giữ kỷ lục về số lượng người lớn nhất tiếp xúc với chân không vũ trụ cùng lúc cho tới khi chuyến đi bộ không gian tư nhân của nhiệm vụ Polaris Dawn diễn ra từ trước đó một tháng.

Apollo 16

John Young và Charles Duke hạ cánh trên Mặt trăng vào ngày 21/4/1972. Cặp đôi trải qua gần 3 ngày trên Mặt trăng, thu thập vật chất bao gồm Big Muley, viên đá lớn nhất từng mang về từ thiên thể này bởi tàu Apollo. Viên đá nặng 11,7 kg. Tàu đổ bộ Mặt trăng được gọi là Orion theo tên một trong những chòm sao sáng nhất trên bầu trời. Phi công Thomas Mattingly thay vào đó chọn tên Casper cho module chỉ huy và dịch vụ bởi "có quá nhiều thứ nghiêm túc trong chuyến bay này, vì vậy tôi quyết định chọn một cái tên hài hước", ông nói.

Apollo 17

Eugene Cernan và Harrison Schmitt là những phi hành gia cuối cùng từng bước đi trên Mặt trăng tính đến nay. Họ hạ cánh vào ngày 11/12/1972. Apollo 17 là nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt trăng có người lái dài nhất, trong đó phi hành gia đi xa khỏi tàu vũ trụ nhất, trải qua thời gian lâu nhất trên Mặt trăng cả trong và ngoài tàu vũ trụ, mang mẫu đá Mặt trăng lớn nhất về Trái đất. Nhà khoa học Schmitt cũng là người đầu tiên dị ứng với bụi Mặt trăng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất