Có bao nhiêu nhà khoa học bịa đặt hoặc xuyên tạc các nghiên cứu?
Từ lâu người ta đã đặt ra một câu hỏi mà tới nay vẫn chưa có lời đáp: trong khoa học hành vi sai trái về nghiệp vụ phổ biến ở mức độ nào? Trong một bài báo mở trên tạp chí trực tuyến PLoS ONE, Daniele Fanelli thuộc đại học Edinburgh đã báo cáo kết quả của phân tích tổng hợp đầu tiên về các bảng khảo sát mà các nhà khoa học tự đánh giá hành vi nghề nghiệp. Các kết quả cho thấy việc bịa đặt hoặc làm sai số liệu nhiều hơn người ta vẫn nghĩ và có thể đặc biệt cao trong các nghiên cứu y học.
Những vụ scandal mới đây như trường hợp Hwang Woo-Suk (báo cáo lừa dối là đã thành công trong việc tạo ra tế bào gốc phôi người thông qua nhân bản – N.D) hoặc Jon Sudbø (làm giả các số liệu nghiên cứu ung thư – N.D) đã chứng minh một điều rằng các nghiên cứu bịa đặt rất có thể được công bố, thậm chí trên ngay những tờ báo danh tiếng nhất thế giới. Giới truyền thông và nhiều nhà khoa học có xu hướng giải thích những vụ việc như thế này là sai phạm mang tính bệnh lý của một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, cảm nhận chung, cũng như những chứng cớ ngày càng thuyết phục cho thấy đây có thể là phần nổi của một tảng băng chìm, bởi vì gian lận và những dạng tinh vi hơn của hành vi khoa học sai trái có thể tương đối phổ biến. Nhưng tới nay, những con số thực tế liên quan tới vấn đề này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi.
Các ước tính dựa trên những dữ liệu điều tra gián tiếp (ví dụ, số lượng các công trình nghiên cứu được rút lại sau khi đã công bố hay kiểm tra ngẫu nhiên các dữ liệu) đem lại những kết quả rất trái ngược. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra trực tiếp bằng bảng câu hỏi đối với các nhà khoa học ở các quốc gia và thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, họ đã sử dụng phương pháp và câu hỏi khác nhau cho các đối tượng điều tra, dẫn tới việc các kết quả có vẻ không hoàn toàn thuyết phục.
Để những kết quả điều tra này có thể so sánh với nhau, phân tích tổng hợp tập trung vào những hành vi thực sự bóp méo kiến thức khoa học (bao gồm ăn cắp dữ liệu và nhiều việc làm bất chính khác) và tính toán tần suất những nhà khoa học đã từng thú nhận có hành vi sai trái ít nhất một lần và những nhà khoa học biết rằng đồng nghiệp của họ sai phạm.
Trong các bản khảo sát, trung bình có khoảng 2% số nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã từng “bịa đặt”, “làm sai” hoặc “sửa lại” các dữ liệu để “cải thiện kết quả” ít nhất 1 lần, và có tới 34% thừa nhận những cách làm có vấn đề trong nghiên cứu, bao gồm “không công bố những dữ liệu mâu thuẫn với một nghiên cứu trước đó của mình”, và “không công bố một số kết quả phân tích chỉ vì cảm tính cho rằng chúng không chính xác.”
Trong các bản điều tra hỏi về hành vi của đồng nghiệp, 14% người trả lời biết một đồng nghiệp đã từng bịa đặt, làm sai hoặc sửa lại dữ liệu, và có tới 72% biết đồng nghiệp đã từng thú nhận những cách làm nghiên cứu thiếu minh bạch.
Trong cả hai dạng điều tra, hành vi nghiệp vụ sai trái được ghi nhận thường xuyên hơn ở các nhà nghiên cứu y học và dược lý. Điều này cho thấy hoặc họ là những người cởi mở và trung thực hơn trong các câu trả lời, hoặc lĩnh vực của họ thực sự có nhiều gian lận và vi phạm hơn các lĩnh vực khác. Nếu như giả thuyết thứ hai là đúng, thì dư luận sẽ càng lo ngại hơn về thực tế rằng tài trợ nghiên cứu từ các công ty thương mại đang làm biến dạng nghiêm trọng các bằng chứng khoa học với mục đích thúc đẩy doanh số bán thuốc và các biện pháp điều trị bệnh.
Thêm một điều nữa, các phiếu điều tra bao gồm những câu hỏi rất nhạy cảm, nên rất có thể một số người đã không trả lời trung thực, đặc biệt là khi được hỏi về hành vi của bản thân. Do đó, con số 2% nói trên có thể vẫn còn là mức khiêm tốn so với thực tế, trong khi con số 14% hiện vẫn chưa được quyết định nên hiểu theo cách nào.