Cô gái dùng AI để nói chuyện với mình trong quá khứ
Michelle Huang, 26 tuổi, cho AI đọc nhật ký, sau đó tạo một phiên bản tuổi thơ để có thể trò chuyện trực tiếp theo thời gian thực.
Huang, sống tại New York, kể trên Twitter rằng cô từng viết nhật ký gần như mỗi ngày trong hơn 10 năm về những giấc mơ, nỗi sợ hãi, bí mật thầm kín của mình. Cô cũng ghi lại chi tiết tâm trạng chán nản khi phải làm bài tập về nhà, cảm xúc khi lần đầu nói chuyện với người yêu...
Huang quyết định cho mô hình tạo văn bản bằng AI GPT-3 đọc nhật ký từ năm 7 tuổi của mình. Sau khi nhập ngẫu nhiên một số nội dung, một phiên bản của cô được GPT-3 tạo ra.
Michelle Huang của hiện tại và phiên bản tuổi thơ của cô. (Ảnh: The Independent).
"Tôi có cảm giác mình đang đi qua cổng thời gian, trò chuyện với chính mình trong quá khứ", Huang nói trên Twitter và cho biết thật sự ngạc nhiên trước khả năng dự đoán chính xác của mô hình. Chỉ với những dòng nhật ký hơn chục năm trước, AI có thể đoán gần như đúng hết các thói quen, sở thích của Huang ở hiện tại.
Cô nói với The Independent rằng những lần đầu chat với AI, cô đã sốc, cảm giác như có một phiên bản năm 14 tuổi đang ngồi cạnh mình để nghe và gõ ra câu trả lời. AI thậm chí còn đặt câu hỏi cho Huang như: "Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?", hoặc đưa ra những lời động viên: "Tôi thực sự tự hào về những gì bạn đã đạt được".
Sau một thời gian nói chuyện, Huang yêu cầu AI viết một bức thư cho cô ở tương lai. Tong thư của AI có đoạn: "Tôi hy vọng bạn đang làm tốt. Tôi mong bạn đã tìm thấy đam mê của mình và làm được những gì mình yêu thích. Tôi ước bạn hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hãy sống với chính mình và đừng để bất cứ điều gì thay đổi con người bạn".
Cô gái 26 tuổi dự định tiếp tục dự án để theo dõi khả năng biến đổi, thích nghi của AI với con người. "Những tương tác chân thật sẽ mở rộng khả năng chữa lành của AI. Chúng ta có thể gửi tình yêu vào quá khứ và nhận về những vỗ về, yêu thương từ phiên bản trẻ hơn của mình. Tôi như mình quay về quá khứ, ôm chặt bản thân và cảm nhận những ấm áp nối dài đến hiện tại", Huang nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với dự án của Michelle Huang. Một số người lo ngại các công cụ AI tiên tiến như GPT-3 có thể bị lạm dụng để tạo ra chatbot dùng vào mục đích xấu. Số khác lo ngại với nguồn đầu vào phong phú như nhật ký trong hơn 10 năm của Huang, AI có thể tự sản xuất ra những nội dung, truyện về sự tái sinh của chính mình. Nhưng Huang cho rằng bản thân công nghệ không tốt hoặc xấu hoàn toàn. Việc sử dụng nó thế nào phụ thuộc vào chủ ý của con người. "Tôi hy vọng dự án này có thể khiến mọi người có cái nhìn tích cực hơn về công nghệ, nơi AI có thể đóng góp nhiều giá trị nhân văn và giúp trị liệu tâm lý tốt hơn", cô nói.
GPT-3 là mô hình tạo văn bản bằng AI, được phát triển bởi OpenAI, phòng nghiên cứu có trụ sở tại San Francisco, do tỷ phú Elon Musk tài trợ. Công cụ này được đánh giá cao với khả năng tự học và viết văn chuyên nghiệp như con người. Theo các chuyên gia, GPT-3 là một trong những AI thông minh nhất hiện nay. Phiên bản tiếp theo GPT-4 dự kiến được phát hành trong vài tháng tới, hứa hẹn sẽ có khả năng xử lý ngôn ngữ mạnh hơn nhiều so với bản tiền nhiệm.
- MIT phát minh ra robot AI có khả năng tự nhân bản chính mình, thành tựu lớn hay mối đe dọa mới?
- Bí ẩn của các biểu tượng Ai Cập cổ đại
- Top 19 sự thật tâm lý thú vị về hành vi của con người