Cô gái làm thay đổi y học thế giới
Từ một số tế bào ung thư của một người phụ nữ, các nhà khoa học đã đem lại những bước đột phá về y học trong một trăm năm qua, như vắcxin phòng bại liệt, thuốc điều trị ung thư, cúm...
Trong một phòng thí nghiệm vi trùng học tại Đại học Columbia, New York, Mỹ, những thí nghiệm của giáo sư Vincent Racaniello với một số tế bào đã đem lại những bước đột phá lớn về y học trong một trăm năm qua. Nhưng đây không phải là những tế bào thông thường. Chúng được gọi là tế bào Hela.
Theo ABCnews, nhờ những tế nào này, các nhà khoa học đã nghiên cứu tìm ra vắcxin phòng bệnh bại liệt, về sau là các thuốc điều trị ung thư, cúm và bệnh Parkinson và trong những nghiên cứu vẽ bản đồ gene và nhân bản vô tính. Chúng cũng từng được dùng để kiểm tra mức phóng xạ của bom nguyên tử và được gửi ra không gian ngoài khí quyển.
Tất cả những cái được gọi là tế bào Hela, hàng tỷ tỷ tế bào, đều có nguồn gốc từ một người, Henrietta Lacks, một phụ nữ Mỹ gốc Phi 30 tuổi bất hạnh, chết cách đây gần 60 năm.
"Những gì mà con người đạt được nhờ những tế bào này là một điều không thể tưởng được" Rebecca Skloot, tác giả cuốn sách Cuộc sống bất diệt của Henrietta Lacks cho biết.
Năm 1951, Lacks đến Bệnh viện Johns Hopkins, ở Baltimore, Mỹ vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Trước khi cô chết, các bác sĩ đã lấy một số tế bào ở khối u để nghiên cứu mà không hề nói cho cô biết.
Và các nhà khoa học đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra những tế bào này có thể làm được những điều mà họ chưa bao giờ thấy trước đây: chúng vẫn sống và tiếp tục sinh sôi.
Một năm sau thì Lacks qua đời nhưng những tế bào của cô vẫn tiếp tục sống, cung cấp một nguồn tế bào dường như vô tận cho các nghiên cứu trên khắp thế giới và sau đó được các công ty rao bán.
Trong hơn 20 năm, không một ai trong gia đình của Lacks biết về điều này. Lần đầu được thông báo vào những năm 1970, họ đã thực sự bất ngờ và giận dữ. Trong khi các công ty kiếm được hàng tỷ nhờ bán những tế bào này thì gia đình của cô thực sự nghèo.
Đến khi, họ biết về những thành tựu y học đã đạt được nhờ những tế bào của cô, cơn giận đã chuyển thành niềm tự hào.