Có gì thú vị trên sao Thổ?
Nhắc đến sao Thổ, người ta nghĩ ngay đến những vành đai rộng lớn đặc trưng. Nhưng không chỉ thế, hành tinh này còn rất nhiều điều thú vị.
Sao Thổ là một hành tinh khổng lồ, đứng thứ 2 trong hệ mặt trời chỉ sau sao Mộc. Với nhiều người đam mê thiên văn, hành tinh này có một sức hút kỳ lạ.
Thả trong nước có thể nổi
Kích thước sao Thổ lớn hơn nhiều lần so với Trái đất - (Ảnh: Universetoday.com).
Cấu tạo chủ yếu của sao Thổ gồm khí hydro và heli, đồng nghĩa bạn không thể đứng trên bề mặt sao Thổ như đứng trên bề mặt Trái đất.
Các nhà khoa học còn cho rằng sao Thổ có thể nổi nếu thả trong nước vì nó là hành tinh duy nhất trong Hệ mặt trời có khối lượng riêng nhỏ hơn khối lượng riêng của nước, nhỏ hơn khoảng 30%.
Đây cũng là hành tinh có khối lượng riêng nhỏ nhất trong Hệ mặt trời.
Ngày cực ngắn, năm cực dài
Sao Thổ là hành tinh thứ 6 tính từ mặt trời - (Ảnh: NASA).
Thời gian sao Thổ quay quanh trục rất nhanh. Ngày nay các nhà khoa học thống nhất 1 ngày trên hành tinh này chỉ mất 10 giờ 32 phút 35 giây.
Ngược lại, sao Thổ di chuyển xung quanh mặt trời rất chậm. 1 năm trên sao thổ tính ra bằng khoảng 10.759 ngày Trái đất, khoảng 29,5 năm Trái đất.
Hình cầu dẹt nhất trong Hệ mặt trời
Do quay quanh trục quá nhanh, sao Thổ trở thành hình cầu dẹt.
Tốc độ tự quay rất nhanh của hành tinh này khiến nó bị mài mòn đến độ có hình cầu dẹt rõ rệt.
Cụ thể, xích đạo của sao Thổ phình ra và hai cực dẹt đi. Khoảng cách giữa hai cực sao Thổ là 54.364km, so với đường kính xích đạo là 60.268km chênh nhau tới 10%.
Sao Mộc, sao Thiên Vương và sao Hải Vương cũng là những hành tinh khí khổng lồ nhưng chúng không dẹt dữ dội như sao Thổ.
Lộng gió
Nhìn từ Trái đất, sao Thổ có màu vàng nhạt và là một trong những thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm. Chất liệu chủ yếu trên hành tinh này là hydro nên tỷ trọng của nó kém hơn Trái đất 8 lần.
Sao Thổ rất nhiều gió. Gió ở vùng xích đạo sao Thổ có vận tốc lên đến 1.800km/h, trong khi kỉ lục tốc độ của gió trên Trái đất chỉ 400km/h.
Số lượng vệ tinh "khủng"
Titan - vệ tinh lớn nhất của sao Thổ và lớn thứ 2 trong Hệ mặt trời - (Ảnh: NASA).
Sao Thổ hiện có ít nhất 62 vệ tinh tự nhiên, trong đó 53 vệ tinh quay quanh sao Thổ đã được đặt tên, chủ yếu cấu tạo từ đá, methane, ammonia và CO2, trong đó một số vệ tinh được hình thành cùng thời điểm ra đời của sao Thổ.
Titan là mặt trăng lớn nhất của sao Thổ và cũng là vệ tinh lớn thứ 2 trong Hệ mặt trời sau vệ tinh Ganymede của sao Mộc. Cấu tạo của chúng chủ yếu là nitơ kết hợp với đá và băng. Các nhà khoa học đặt nghi vấn về sự sống trên Titan tuy nhiên chắc rằng sự sống ở đây rất khác với Trái đất.
Chỉ có 4 tàu vũ trụ đến thăm sao Thổ gồm Pioneer 11, Voyager 1 và 2, và Cassini-Huygen.
Cực bắc xoáy lục giác, cực nam xoáy tròn
Xoáy 6 cạnh ở cực bắc sao Thổ - (Ảnh: NASA).
Những vòng xoáy khí quyển ở cực bắc của sao Thổ có hình dạng lục giác đặc biệt, nằm ở vĩ độ khoảng 78° do tàu Voyager phát hiện đầu tiên. Cạnh thẳng của lục giác vùng cực bắc dài xấp xỉ 13.800km lớn hơn cả đường kính của Trái đất.
Xoáy tròn ở cực nam - (Ảnh: NASA).
Trong khi đó các bức ảnh do kính thiên văn Hubble chụp vùng cực nam cho thấy sự có mặt của một dòng khí tốc độ cao nhưng không hình thành nên xoáy khí quyển mạnh hay cấu trúc lục giác như ở cực bắc.
Đặt theo tên thần thời gian
Sao Thổ được đặt tên theo thần thời gian.
Sao Thổ quay quanh trục thì nhanh, quay quanh mặt trời lại rất chậm. Chính sự nhanh chậm này làm cho người Hy Lạp liên tưởng đến sự trôi đi của thời gian và đặt tên cho hành tinh là Cronus - vị thần của thời gian. Trong tiếng La Mã, hành tinh này có tên là Saturn.
Ngoài ra, Saturn còn được đặt cho ngày thứ 7 trong tuần - Saturday.
Sao Thổ trong chiêm tinh học là hành tinh trị vì các cung Ma Kết và Bảo Bình.
Vành đai rộng nhất
Vành đai chính là đặc trưng của sao Thổ.
Sao Thổ là hành tinh có hệ thống vành đai rộng nhất trong Hệ mặt trời. Những hành tinh khác cũng có vành đai nhưng vành đai sao Thổ là vành đai duy nhất có thể nhìn thấy từ Trái đất.
Các vành đai của sao Thổ chứa vô số các phần tử có kích thước từ nhỏ như một hạt cát thông thường đến lớn hơn cả một căn nhà cao tầng, thậm chí một số còn có đường kính dài hơn cây số. Chúng có nguồn gốc từ băng, bụi hay các mảnh vụn còn sót lại từ sao chổi, tiểu hành tinh hoặc những mặt trăng tan trong vũ trụ.
Galileo Galilei là người đầu tiên nhìn thấy vành đai của sao Thổ vào năm 1610 nhưng ông không biết đó là gì nhưng suy luận vành đai đó là... mặt trăng của sao Thổ. Sau đó vào năm 1655, nhà thiên văn học người Hà Lan Christian Huygens với kính thiên văn tốt hơn mới có thể khám phá ra những "mặt trăng" này thực chất là những đường elip hẹp và rộng vô cùng.
Chu vi vòng ngoài của vành đai có thể bằng khoảng cách từ Trái đất lên mặt trăng nhưng chỉ dày chỉ khoảng 20m.