Cơ hội nhân bản được loài ngựa đã tuyệt chủng 42.000 năm

Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Nga và Hàn Quốc tiết lộ đang tràn trề hi vọng khi nghĩ đến khả năng “tái sinh” giống ngựa có tên Lenskaya đã tuyệt chủng hàng chục nghìn năm trước. Đây cũng là cơ hội bước đầu để nghĩ đến khả năng tái sinh loài voi ma mút khổng lồ.

Các chuyên gia cho biết, con ngựa đông lạnh có màu gừng sáng được xác định đã chết khi không quá 2 tuần tuổi. Nó được bảo quản trong điều kiện gần như hoàn hảo ở vùng băng vĩnh cửu Siberia trong 42.170 năm.


Các nhà khoa học đang tràn trề hi vọng “tái sinh” loài ngựa cổ.

Sau vài tháng làm việc trên xác con ngựa con đông lạnh, nhóm nghiên cứu đang ngày càng lạc quan cho rằng họ sẽ có được các tế bào cần thiết để nhân bản giống ngựa Lenskaya.

"Các nhà nghiên cứu tự tin về sự thành công của dự án. Các nỗ lực sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 4 năm nay. Đây là những nỗ lực đầu tiên trong việc trích xuất các tế bào hỗ trợ nhân bản vô tính. Công việc rất tiến triển đến mức nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến việc chọn một con ngựa mẹ cho vai trò lịch sử là sinh ra con ngựa cổ được nhân bản", một nguồn tin từ Đại học Liên bang Đông Bắc ở Yakutsk tiết lộ.

Nhóm nghiên cứu quốc tế được dẫn dắt bởi chuyên gia nhân bản vô tính Hàn Quốc, giáo sư Hwang Woo-suk, người tham gia rất sâu vào nỗ lực sử dụng hài cốt của voi ma mút được bảo quản trong băng vĩnh cửu để tái sinh chúng trở lại.

Tiến sĩ Lena Grigoryeva, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Nga về dự án này, cho biết: “Có 7 nhà nghiên cứu tham gia vào dự án ở phía Hàn Quốc và mọi người đều nghĩ tích cực về kết quả”.

Một con ngựa đến từ Hàn Quốc được cho có khả năng sẽ làm “mẹ” của loài ngựa cổ. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi ngựa Hàn Quốc cũng khá cổ xưa. Nó là một nhánh của ngựa Mông Cổ. Một lựa chọn khác là sử dụng ngựa Yakut - một giống ngựa có nguồn gốc ở miền đông Siberia. Ngựa Yakut có thể sống sót qua mùa đông với nhiệt độ thấp tới -60 độ C.

Tiến sĩ Semyon Grigoryev, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Bảo tàng Mammoth ở Yakutsk, nói: “May mắn là các mô cơ của động vật không bị hư hại và được bảo quản tốt, vì vậy chúng tôi đã tìm được mẫu nghiên cứu độc đáo này cho nghiên cứu công nghệ sinh học”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất