Có một "Mặt Trăng mặn" đang tồn tại
Europa là Mặt Trăng lớn thứ tư của sao Mộc có đại dương lỏng, mặn bên dưới lớp vỏ băng giá. Phát hiện mới cho thấy nó có thể chứa những thành phần cần thiết cho sự sống.
Một nghiên cứu mới phát hiện bề mặt của Europa chứa đầy natri clorua, tức muối ăn. Kết luận ban đầu cho rằng đại dương ẩn bên dưới lớp băng của Europa có thể giống trên Trái đất hơn rất nhiều so với suy đoán trước đây.
Bề mặt của Europa bị muối bao phủ. (Ảnh: Cnet).
Nghiên cứu được công bố hôm 12/6 trên tạp chí Science Advances. Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Caltech và NASA cho hay các mảng màu vàng trên bề mặt Europa, từng được các tàu vũ trụ Voyager và Galileo tìm ra trong nhiều thập kỷ trước có sự xuất hiện của natri clorua.
"Natri clorua như vô hình trên bề mặt của Europa", NASA cho biết. Chỉ khi bị chiếu xạ, màu sắc thay đổi mới cho thấy sự tồn tại của nó.
Nhóm nghiên cứu đã chiếu xạ muối ăn trắng trơn trong phòng thí nghiệm mô phỏng các điều kiện hiện có trên Europa. Họ phát hiện ra muối trắng chuyển sang màu vàng, cùng màu vàng được phát hiện bởi tàu vũ trụ Galileo của NASA trong các nhiệm vụ chụp ảnh từ năm 1995-2003.
Sau đó, họ chuyển Kính viễn vọng Không gian Hubble sang Europa và xác nhận độ vàng của nó chính là muối ăn được chiếu xạ.
Đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho chúng ta biết về tính chất hóa học của đại dương tại đây. Nếu natri clorua có nguồn gốc từ bên trong Europa, đại dương của Mặt Trăng này có thể giống với Trái đất hơn nhiều. Trong tương lai xa, nó có thể là nơi để khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu ý rằng chưa chắc liệu muối trên bề mặt có chắc chắn đại diện cho tính chất của đại dương dưới đáy biển hay không.
Dù sao, nghiên cứu này đã mở ra những cái nhìn mới về Europa, cho thấy vệ tinh này thậm chí có thể có hoạt động địa chất nhiều hơn các nhà khoa học từng nghĩ trước đây.
- Có sự sống trên mặt trăng Europa của sao Mộc?
- NASA chuẩn bị khám phá Mặt Trăng tuyệt đẹp của Sao Mộc