Cô “nông dân sinh thái” đoạt giải Kovalevskaia
Có một người phụ nữ đã trăn trở tìm cách vẫn bảo vệ được lúa nhưng không xài chất độc hóa học và bà đã thành công. Với cống hiến này cho đồng ruộng miền Tây, bà đã vinh dự nhận giải thường Kovalevskaia năm 2011 và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Để ĐBSCL trở thành vựa lúa của cả nước, người nông dân (ND) miền Tây mỗi năm phải sử dụng hàng chục ngàn tấn chất hóa học trừ sâu rầy. Một phần trong số đó tồn dư trong môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ám ảnh: Múc nước dưới kênh để uống…
Trong những ngày đầu tháng 12/2012, tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) diễn ra Diễn đàn MDEC - Tiền Giang 2012, nơi tôn vinh và bàn thảo về “Hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, có một nữ tiến sĩ (TS) đến các xóm ấp ở huyện Cai Lậy, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) để hướng dẫn cho bà con nông dân phương pháp sản xuất “sạch”, bền vững. Đó là TS Nguyễn Thị Lộc - Trưởng bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học - Viện Lúa ĐBSCL.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), tình yêu với cây lúa như có sẵn trong máu của cô gái Nguyễn Thị Lộc. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 1980, được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, nhưng cô kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Lộc đã tình nguyện vào công tác ở ĐBSCL, vùng đất luôn có sức hấp dẫn cô. Cô kỹ sư trẻ đến nhận công tác tại Viện Lúa ĐBSCL tọa lạc bên một bờ kênh ở huyện Ô Môn - Cần Thơ.
TS Lộc hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm Ometar cho nông dân.
Hằng ngày thấy những cô thôn nữ miền Tây xinh đẹp và dịu dàng gánh nước kênh, rạch về cho sinh hoạt, ăn uống gia đình, kỹ sư Lộc rất sợ, vì cô biết chắc rằng một lượng thuốc trừ sâu không nhỏ tồn dư trên đồng lúa rút xuống kênh rạch. Đó là động lực đầu tiên thôi thúc kỹ sư Lộc mày mò nghiên cứu phương pháp giúp nông dân giảm sử dụng thuốc hóa học, giúp cho môi trường sống bớt ô nhiễm. Cơ hội lớn đã đến khi vào năm 1995, kỹ sư Lộc được theo học thạc sĩ tại Ấn Độ với đề tài “Khai thác tiềm năng phòng trừ sinh học của nấm trắng, Beauveria bassiana đối với các loại rầy hại lúa” tại Trường Đại học Nông nghiệp và Kỹ thuật Pantnagar (Ấn Độ).
Thuốc trừ sâu vô hại cho người, môi trường
Một lần, sau khi học xong thạc sĩ ở Ấn Độ trở về, khi đi ngang đám ruộng lúa để từ nơi ở đến thư viện trong Viện Lúa ĐBSCL, tình cờ ThS Lộc phát hiện trong đám ruộng lúa cháy rầy có một số con rầy bị chết. Bà lấy xác những con rầy để nghiên cứu tác nhân làm chúng bị chết. Bà đã ghi nhận mấy loại nấm ký sinh trên xác rầy, đó cũng là đề tài luận án tiến sĩ của bà tại Trường ĐH Durham (Anh Quốc) sau đó.
Trở về nước, TS Lộc bắt tay ngay vào xây dựng quy trình sản xuất các chế phẩm sinh học trừ sâu rầy thay cho thuốc trừ sâu. Sau nhiều năm nghiên cứu, TS Lộc và các cộng sự đã sản xuất thành công 2 chế phẩm sinh học nấm xanh và nấm trắng trừ sâu rầy; đã được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật với tên Ometar và Biovip để phòng trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa. Các chế phẩm này hoàn toàn vô hại cho người sử dụng, cho hệ sinh thái và môi trường. TS Lộc đã thực hiện đề tài: “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ”.
Với quy trình này, bà con nông dân hoàn toàn có thể tự sản xuất chế phẩm sinh học diệt rầy từ những nguyên liệu đơn giản, rẻ tiền như tấm, meo nấm... Với những cống hiến thiết thực cho nông dân, chỉ trong thời gian ngắn TS Lộc đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá: Giải Kovalevskaia 2010; giải thưởng Sáng tạo APEC - Mỹ 2011; giải WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) 2011; giải nhì Khoa học công nghệ Việt Nam 2011.
Với 3.000USD tiền giải thưởng Kovalevskaia 2011 cùng các nguồn tài trợ khác, TS Lộc tiếp tục nghiên cứu chế phẩm nấm xanh phòng trừ các loại sâu gây hại cho rau và cây ăn quả. Bước đầu bà đã nghiên cứu và chuyển giao 5 quy trình “trồng rau an toàn” cho 5 loại rau thông dụng ở các vùng trồng rau tập trung ở ĐBSCL. Những nghiên cứu, ứng dụng của TS Lộc ngoài việc góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Và cái đích cuối cùng là một nền nông nghiệp chất lượng, bền vững!