Có thể chữa mù bằng hóa chất

Thị lực của những con chuột mù phục hồi sau khi các nhà khoa học tiêm một hóa chất vào mắt của chúng, mở ra triển vọng chữa bệnh mù mắt cho người.

Richard Kramer - một giáo sư chuyên ngành sinh học phân tử và tế bào của Đại học California tại Berkeley, Mỹ - cùng các đồng nghiệp tìm ra một hợp chất có khả năng khiến các tế bào trong võng mạc trở nên nhạy sáng, AFP đưa tin.

Nhóm nghiên cứu gây đột biến gene để làm chết các tế bào hình que và hình nón - hai loại tế bào nhạy sáng - trong mắt chuột chỉ vài tháng sau khi chúng chào đời. Khi chuột lớn, họ tiêm AAQ, tên của hợp chất, vào mắt lũ chuột. Sau một thời gian, lũ chuột có tỏ ra hoảng hốt khi các chuyên gia chiếu ánh sáng vào mắt chúng, hiện tượng không thể xảy ra nếu chúng vẫn mù.


Hóa chất của nhóm Richard Kramer mang đến hy vọng cho những người mắc
các dạng mù phổ biến nhất, như thoái hóa võng mạc và viêm võng mạc sắc tố.

AAQ chỉ giúp chuột nhìn thấy trong một khoảng thời gian ngắn, song lại không đòi hỏi thao tác phẫu thuật. Nó có thể mở đường cho sự ra đời của những giải pháp phục hồi thị lực mà không cần cấy chip hay tế bào gốc vào mắt - hai kỹ thuật đang được nghiên cứu.

“Lợi thế của phương pháp này là chúng ta chỉ cần một hóa chất đơn giản, nghĩa là bạn có thể thay đổi liều lượng, kết hợp nó với những phương pháp khác hoặc ngừng điều trị vào mọi thời điểm nếu bạn cảm thấy không hài lòng với kết quả”, Kramer nói.

Không ai biết những con chuột nhìn rõ tới mức nào, song các nhà nghiên cứu khẳng định hóa chất AAQ phát huy tác dụng bởi đồng tử của chuột con giãn khi tiếp xúc ánh sáng mạnh và chuột lảng tránh ánh sáng.

Thành tựu của nhóm Kramer có thể mang đến hy vọng cho những người mắc các dạng mù phổ biến nhất, như thoái hóa võng mạc và viêm võng mạc sắc tố.

“Đây là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực phục hồi thị lực. Chúng tôi sẽ phải chứng minh rằng AAQ là hợp chất an toàn và có thể phát huy tác dụng đối với mắt người. Mặc dù vậy, kết quả thử nghiệm cho thấy AAQ có khả năng phục hồi các tế bào nhạy sáng trong võng mạc”, Russell Van Gelder, chủ tịch khoa Mắt của Đại học Washington, phát biểu. Gelder cũng tham gia nghiên cứu cùng Kramer.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất